Dù là ai cũng phải tuân theo phép nước! (24/02/2012)
Việc triều chính bê trễ, nông nghiệp luôn mất mùa, đói kém, nhân dân cực khổ lầm than. Kế nghiệp nhà Lý, vương triều Trần chủ trương tăng cường pháp chế, đặc biệt đề cao đức trị, coi thân giáo làm trọng; đòi hỏi quan lại, hoàng tộc, vương hầu phải sửa mình, làm tấm gương sáng giáo hóa muôn dân. Lúc này vua Trần còn quá nhỏ, Thái sư Trần Thủ Độ phải cầm quyền phụ chính nặng gánh hai vai, lo toan công việc của vương triều.
Tuy nắm trong tay toàn bộ binh quyền song ông luôn đề cao vương pháp, gương mẫu chấp hành mọi quy chế luật lệ của triều đình, ghét người xu nịnh, thích người cương trực, ngay thẳng. Có lần, một người đến xin gặp vua Trần tỏ vẻ lo lắng tâu trình: “Bệ hạ còn nhỏ tuổi, Thái sư đang nắm trong tay mọi công việc triều chính, liệu rồi tình hình xã tắc sẽ ra sao?”. Nghe xong, Thái Tông lo ngại chuyện này đến tai Thái sư sẽ có nhiều rắc rối, bèn bảo người này lên xe cùng mình tới phủ Thái sư để tâu bày. Khi đến nơi, người này không hề e ngại mà còn mạnh dạn tâu lên Thái sư tất cả những điều mình vừa tâu với nhà vua. Thái sư ngồi nghe, mặt không hề biến sắc. Nghe xong, ông đứng dậy chậm rãi đi về phía người đó, nâng dậy, từ tốn nói: “Những lời tâu trình của nhà ngươi thật đúng với hiện tình đất nước, thẳng thắn, cương trực lo cho xã tắc như thế, thật đáng khen!”. Sau đó, ông sai gia nhân mang vóc lụa ra ban thưởng trước sự ngạc nhiên của vua Trần. Khi người này đi rồi, Thái sư nói với vua Trần: “Bệ hạ tuy ở ngôi cao nhưng tuổi còn nhỏ, nghĩ suy chưa thấu đáo. Việc nước ngổn ngang trăm mối, quần thần nhà Trần phần lớn là từ nhà Lý mới qui phục, còn nhiều mưu đồ chống phá. Lúc này, nếu chính trị không nghiêm, người tốt không được dùng, người có tâm huyết không được động viên, khen thưởng, kẻ xấu không bị trị sẽ là họa lớn về sau. Thần chỉ một lòng lo cho xã tắc, xin bệ hạ yên lòng”. Thật vậy, tuy trong tay nắm trọn binh quyền song ông không bao giờ nghĩ đến lợi ích riêng tư, không vây cánh, thế thần, không vì người thân mà xem thường phép nước.
Có một hôm, Linh từ quốc mẫu (vợ ông) có việc riêng đến Bắc Môn, ngại đi đường vòng hơi xa, sai lính khiêng kiệu đi tắt qua đường cấm (chỉ dùng cho kiệu vua đi) ở tử cấm thành. Cấm vệ quân canh giữ nơi đây không ngần ngại bắt quay sang đường khác. Bà tức giận quay về bảo với Thái sư: “Bọn cấm vệ này thật là hỗn láo. Tôi là quốc mẫu, lại là vợ của Thái sư phụ chính đại thần đi tắt một chút qua tử cấm thành, chúng lại dám ngang nhiên chặn lại, ông không trừng trị nghiêm khắc, chúng sẽ coi thường”. Nghe xong, Thái sư cho người đi bắt người lính cấm vệ về phủ để tìm hiểu sự việc. Cả đội cấm vệ xanh xám mặt mày, lo sợ phen này khó thoát.
Trước mặt Linh từ quốc mẫu, Thái sư vặn hỏi cặn kẽ trước sau, buộc người lính cấm vệ cứ thật lòng tâu trình. Thái sư lặng lẽ ngồi nghe, đoạn ông đi đến người lính, ôn tồn bảo: “Ngươi ở chức thấp mà còn biết giữ nghiêm luật pháp, không sợ quyền uy để làm tròn nhiệm vụ của mình. Luật pháp đã ban thì bất kỳ ai dù quyền cao chức trọng đến đâu cũng phải tuân theo phép nước. Ngươi làm như vậy đâu có tội mà còn ban thưởng cho ngươi”. Nói rồi sai gia nhân mang hai nén bạc thưởng cho người lính trong khi quốc mẫu ngỡ ngàng chẳng hiểu vì sao.
Một lần khác, Thái sư đi duyệt sổ quan, sổ đinh ở Tức Mặc, thuộc phủ Thiên Trường; có người cháu họ của Linh từ quốc mẫu đến nhờ bà nói hộ với Thái sư để xin một chức xã quan. Nghe vợ nói, ông trầm ngâm suy nghĩ, gật đầu và cho đòi người cháu họ đến công đường, chậm rãi bảo: “Ngươi được quốc mẫu xin cho làm xã quan ở xã nhà, là người trong họ phải có gì phân biệt với các chức dịch khác. Vì vậy ta sẽ chặt một ngón tay phải của ngươi để khi cần sẽ nhận ra nhanh chóng”. Nghe vậy, người kia kinh hãi, mặt tái mét sụp xuống quỳ lạy xin tha, không dám nhận chức quan này nữa. Tiếng đồn truyền lan khắp nơi về việc Thái sư nghiêm khắc ngay thẳng, không chút riêng tư. Từ đó, không một ai còn dám bém mảng tới phủ Thái sư để nhờ cậy nữa.
Làm đến chức Thái sư, phụ chính đại thần, Trần Thủ Độ luôn gác bỏ mọi quyền lợi riêng để chăm lo công việc nước nhà. Bởi tính liêm khiết, công minh nên ông được vua tin cậy, quần thần kính phục, nhân dân quý trọng. Ông không chỉ là vị chỉ huy mưu lược trong trận chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ nhất mà còn là người mẫu mực trong việc chấp hành luật pháp của vương triều.
Côn Giang