Dù hy sinh vẫn giữ bản thảo
Tác giả Lê Hoài Thung.
Nhóm phóng viên chiến trường của Báo Quân giải phóng miền Trung Nam Bộ vào đầu năm 1975 có ba người quê ở miền Bắc. Tôi - Lê Hoài Thung người huyện Diễn Châu (Nghệ An), còn hai anh Trùng Khánh và Lê Trạm quê ở Thanh Hóa. Cả ba chúng tôi được giao nhiệm vụ bám sát các cánh quân chủ lực của Quân khu 8 và Sư đoàn 5 của ta từ Tây Ninh xuống để đưa tin, viết bài tuyên tuyền cho chiến dịch mang tên Bác Hồ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Còn gì vui hơn đối với những phóng viên chiến trường lúc đó. Riêng tôi còn được giao nhiệm vụ viết bài tường thuật giải phóng T.P Mỹ Tho (còn gọi là Thủ Khoa Huân), đi sát Trung đoàn Đồng Tháp mà phần đông con em quê Nghệ An, Hà Tĩnh mới được bổ sung vào chiến trường Khu 8. Tôi còn nhớ hôm đó, sau khi giao ban tác chiến xong, anh Trần Minh Phú (Sáu Phú) - Tham mưu trưởng Quân khu 8 nói với tôi: “Giờ giải phóng Khu 8 đã đến, các ký giả phải bám sát các cánh quân của ta để chụp cho được bức hình bộ đội ta cắm cờ chiến thắng trên dinh Tỉnh trưởng Mỹ Tho!”.
Đúng vào “giờ G” của ngày 28-4-1975, sau khi đập tan tuyến phòng thủ của địch trên kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Dương Văn Dương, giải phóng vùng Đồng Tháp Mười, lệnh tiến công đánh chiếm đường 4, giải phóng T.P Mỹ Tho, Bến Tre, Long An bắt đầu. Đến bây giờ tôi vẫn không quên câu nói thân tình của anh Nguyễn Hữu Nhiên (Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn Đồng Tháp), quê ở Hậu Thành, Yên Thành: “Nhà báo quê ở Diễn Châu à, còn tớ quê ở Yên Thành đây, chúng mình đều là đồng hương quê ở Nghệ An cả, cố gắng lên để xứng với quê hương Bác Hồ”. Nói rồi anh Nhiên lao theo đoàn quân đang dũng mãnh xông lên đánh chiếm các mục tiêu đã định. Xung quanh tôi, tiếng hô xung phong, tiếng súng B40, tiếng AK nổ giòn giã. Được sự hậu thuẫn của bộ đội chủ lực, du kích các huyện Cai Lậy, Châu Thành tràn lên đường 4 phát loa phóng thanh, kêu gọi địch đầu hàng, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy, phá ấp chiến lược, giải phóng quê hương.
Trước sức tiến công như thế chẻ tre của quân và dân ta, bọn địch bỏ đường 4 về lập vành đai cố thủ bảo vệ thành phố và các căn cứ lớn, như Đồng Tâm, Bình Đức - cửa ngõ Trung Lương. Bọn chỉ huy lồng lộn cho xe tăng, máy bay dội bom đánh phá khu vực đệm, xung quanh thành phố, thị xã. Hai phóng viên Trùng Khánh, Lê Trạm và một số cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh vì bom toa độ của máy bay C.130, chỉ cách Sài Gòn 65km, trước ngày giải phóng miền Nam vỏn vẹn 3 ngày.
Nén đau thương, tôi bám theo đội hình Tiểu đoàn 261A (đơn vị được Chủ tịch Cuba - Phidel đặt tên là Tiểu đoàn Hi Rôn), được lệnh dùng xe cơ giới thu được của địch đánh vào ngã ba Trung Lương, mở cánh cửa thép của địch để quân ta đánh chiếm, giải phóng T.P Mỹ Tho, vào ngày 30-4. Đến 12 giờ, ngày 30-4, sau một loạt súng cối và B.41 của quân ta phá sập lô cốt đầu cầu, địch ở ngã ba Trung Lương, lớp chết, lớp bỏ chạy thục mạng về hướng bờ sông Bảo Định. Thừa thắng các cánh quân của ta từ Long An đánh xuống, từ Gò Công tràn lên đánh thẳng vào đường Nguyễn Tri Phương, lần lượt chiếm các cơ quan đầu não của địch.
Tôi đang định lia ống kính chụp ảnh một chiến sĩ đặc công quê ở Nam Đàn một mình quật ngã ba tên ác ôn khi chúng chưa kịp dùng khẩu đại liên bắn chặn quân ta thì có tiếng kêu to của một số cô gái: “Các anh bộ đội giải phóng coi chừng bọn ác ôn trên nhà lầu bắn lén…”. Rất nhanh, một loạt AK vang lên, tên ác ôn trên nhà lầu đổ xuống. Người diệt tên ác ôn đó là anh Khang quê ở Đô Lương (Nghệ An). Tiếp đó, tiếng cô gái ban nãy lại cất lên: “Dinh Tỉnh trưởng ở bên phải, các anh đánh lẹ lên, không hắn trốn mất”. Nhìn theo tay cô gái, bộ đội ta ào ạt xung phong, lưỡi lê tuốt trần, súng B40 với những trái đạn như bắp chuối lóe sáng trong nắng chiều cháy đỏ.
Bị đánh từ nhiều phía, kết hợp binh vận và nổi dậy từ trong nội thành, địch tan rã từng mảng, súng đạn vứt bỏ lung tung. Tên đại tá Tỉnh trưởng cải trang thành dân thường lẫn trốn cùng đồng bọn. Khi chiến sĩ ta chiếm được chỉ huy sở của y, chiếc điện đài đặt trên bàn còn ghi tiếng nói đầu hàng của Dương Văn Minh từ Sài Gòn chuyển đến. Lúc đó là 17 giờ ngày 30-4-1975, cờ Giải phóng phất phới tung bay trên các nóc nhà dinh Tỉnh trưởng, đánh dấu giờ phút thảm hại của hơn 10 vạn sắc lính và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tại chiến trường miền Trung Nam Bộ.
Khỏi phải nói niềm vui, niềm phấn khởi của người dân miệt vườn đường 4, Mỹ Tho. Các má, các chị, học sinh, sinh viên mang nước, trái cây, cờ hoa tỏa ra đón chào các chiến sĩ Giải phóng. Tôi hoàn thành bài tường thuật trong đêm 30-4 với nhan đề: “Ngày vui mới trên thành phố Thủ Khoa Huân”. Trong đó có chi tiết người con gái biệt động với tà áo dài màu hoa tím bay bay dẫn đường cho bộ đội ta đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng; hình ảnh người chiến sĩ Tiểu đoàn Hi Rôn cắm lá cờ chiến thắng ở trung tâm thành phố, khẩu súng B41 của chiến sĩ đặc công quê ở Nghệ An bắn đổ lô cốt địch ở ngã ba Trung Lương. Một chi tiết nữa mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in, đó là một cụ già mái tóc bạc phơ từ phía bờ sông Bảo Định đi tới ôm hôn anh Nguyễn Hữu Nhiên - cán bộ Trung đoàn Đồng Tháp, quê ở Yên Thành. Cụ nói: “Bộ đội quê Bác - Nghệ An đánh giặc giỏi lắm, tốt lắm, cho qua hun một cái để mừng ngày Mỹ Tho được giải phóng!”.
Miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất. Quân khu 8 và Quân khu 9 sáp nhập thành Quân khu 9. Báo Quân giải phóng miền Tây Nam Bộ hợp nhất với Báo Quân giải phóng miền Trung Nam Bộ thành báo Quân khu 9. Tôi về làm phóng viên báo Quân khu 9 được hơn 1 năm, sau đó chuyển ngành về công tác ở Đài phát thanh Nghệ Tĩnh (nay là Đài PTTH Nghệ An), cho đến khi nghỉ chế độ. Nhớ lời căn dặn của các bạn đồng nghiệp: “Dù hy sinh vẫn phải giữ bản thảo”, tôi tìm nhà văn Triệu Bôn, quê ở Thanh Hóa nhờ anh chuyển tới Tạp chí Văn nghệ Quân đội đăng truyện ngắn “Nơi đầu ấp” và bút ký “Sóng trong Đồng” của Trùng Khánh. Chùm thơ và 3 bài của Lê Trạm cũng được tôi gửi đăng ở báo Sài Gòn giải phóng, là việc làm tri ân với đồng nghiệp đã hy sinh. Riêng tôi 8 năm làm báo chiến trường, tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, viết được hàng trăm tin bài về người lính trong chiến tranh cũng như thời bình, được nhiều tờ báo T.Ư và địa phương sử dụng. Tôi coi đó là niềm vui của một CCB, trưởng thành từ phóng viên chiến trường.
Lê Hoài Thung