Dù hi sinh, quyết không để tắc đường!
Vừa ổn định tổ chức vừa hành quân
Là một trong những người đầu tiên gia nhập TNXP, ông Nguyễn Tiến Năng-Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, nguyên Đội phó Đội 34 TNXP nhớ lại: Thời gian đầu tuyển quân đến đâu thành lập đơn vị và đặt phiên hiệu đến đó, đủ 15 người thành 1 tiểu đội, 4 tiểu đội thành 1 trung đội, đủ 3 trung đội thành 1 đại đội (200 người), có bộ phận giúp việc như văn thư, quản trị, y tá, tiếp phẩm, anh nuôi… Mỗi đại đội có 3 ngày phổ biến nhiệm vụ, nội quy, kế hoạch hành quân, vừa chuẩn bị vật chất, nhận dụng cụ, lương thực, thực phẩm như: mắm, kem, lạc, vừng, muối, mua thêm đường, thịt lợn rán mỡ đổ vào thùng… bình quân mỗi người mang 30-40kg.
Tiếp đó, cứ 3 đêm xuất phát một đợt 3 đại đội từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) đi Hồi Xuân, Pa Hán, qua Suối Rút, theo Đường 41 lên Tây Bắc, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên Phủ. Ban ngày vào rừng nghỉ, đêm đêm rầm rập hành quân. Đường rừng dốc quanh co, đèo cao, suối thẳm, sương mù u ám, trời rét mà người đẫm mồ hôi, có nơi thổ phỉ còn hoạt động, cọp rình vồ người. Đêm tối đen, người trước buộc khăn trắng để người sau trông bám theo mà đi, không được gây tiếng động ồn ào, nhằm bảo đảm bí mật, an toàn cho chiến dịch. Đơn vị lên trước vướng bom nổ chậm thì đơn vị sau phải tìm mọi cách băng rừng vượt lên trước, không được để ùn tắc, dồn quân…
Dụng cụ làm đường của TNXP là cuốc xẻng, xà beng để phá đá mở đường; chỗ ở là lán trại tự làm trong rừng; thức ăn thường xuyên là măng, rau rừng. Khó khăn lớn nhất là bệnh sốt rét hoành hành kể cả sốt rét ác tính nhưng thuốc lại thiếu. Có lúc thiếu gạo tẻ chỉ được phát gạo nếp, nhiều người ăn không được bị yếu sức không đi làm được. Có đợt hai, ba tuần không có muối phải đốt cây chít, cây de thay muối...
Không để huyết mạch giao thông bị tắc
Theo lời kể của ông Năng, khi bộ đội ta đánh mạnh vào Điện Biên Phủ, địch đã tập trung ném bom vào các trọng điểm mà chúng cho rằng ta không thể khắc phục được như đèo Chiềng Đông, đèo Chẹn, đèo Sơn La, cầu Tà Vài, đặc biệt là ngã ba Cò Nòi, ngã ba Tuần Giáo, đèo Pha Đin. Tại ngã ba Cò Nòi, nơi gặp nhau giữa Đường 41 (từ Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và Đường 13 (từ các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc) sang, được mệnh danh là “chảo lửa”, là “túi bom”, “cửa tử”... Có ngày Pháp huy động 69 máy bay các loại ném hơn 300 quả bom xuống. Có đợt chúng đánh phá 2-3 tuần liên tục, ném bom rải thảm kết hợp nhiều loại bom trong một trận nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta.
Chiều 8-3-1954, hai tốp phản lực của địch từ Hà Nội lên ném bom Cò Nòi, trong đó có một quả bom nổ chậm rơi trúng lòng đường. Máy bay địch vừa rút khỏi, trung đội TNXP tại đó thay phiên đào phá bom. Bất ngờ, dưới mặt đường, quả bom nổ chậm đã nổ không theo quy luật. Nhìn xuống bên dưới, chỉ thấy đất đá và khói đen kịt cùng xác người bị hất tung lên. Cả tổ đã anh dũng hi sinh, có người tay còn cầm cán xẻng...
Tại những cung đường bị bom đạn địch oanh tạc ác liệt, theo khẩu hiệu “TNXP có thể hi sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “Không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”… cứ sau mỗi trận địch thả bom phá đường, anh em trong đội TNXP lập tức xông ra. Các tổ quan sát ngồi trên cây đếm bom chưa nổ, đánh dấu vào bản đồ tự vẽ rồi xuống cắm tiêu vào những chỗ có bom chưa nổ, để đội phá bom đến phá. “Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên một số đồng chí hi sinh. Về sau, được bộ đội công binh hướng dẫn, anh em phá bom thành thạo, thương vong ít hơn”, ông Năng giải thích thêm.
Khoảng 20.000 TNXP tham gia chiến dịch, là lực lượng chủ công sát cánh cùng bộ đội có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Lực lượng TNXP mở hàng trăm ki-lô-mét đường, vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí, phá hàng nghìn quả bom các loại, san lấp hố bom với hàng chục nghìn m3 đất, đá... vượt qua mưa bom, bão đạn, bảo đảm giao thông thông suốt. Khi chiến dịch bước vào giai đoạn ác liệt, TNXP đã bổ sung 8.000 người vào quân đội, tham gia chiến đấu góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.
Năm 2011, lực lượng TNXP Điện Biên Phủ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ấy là niềm vinh dự, tự hào của lực lượng TNXP, mà trực tiếp là hai Đội 34 và 40, trong đó có sự đóng góp của hơn 300 TNXP đã anh dũng hi sinh, nằm lại trên các nẻo đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ và làm đường chiến lược Lai Châu-Ma Lù Thàng. Để tôn vinh gương hi sinh của các TNXP, tỉnh Sơn La đã xây dựng Tượng đài TNXP Điện Biên Phủ ở ngã ba Cò Nòi; tỉnh Lai Châu xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ TNXP ở Sìn Hồ.
Minh Giao