Dự án xây dựng đập Tân Hợp (Định Hóa, Thái Nguyên): Chưa sử dụng… đã vỡ nát

**
Dân chưa kịp mừng đã phải lo!**
Xã Quy Kỳ thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, có tỉ lệ hộ nghèo lên đến 43,9%; người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số sống bằng nghề nông... Việc xây dựng con đập Tân Hợp là cứu cánh cho gần 70 ha lúa của người dân trong xã, là mong mỏi của hơn 1.000 hộ dân xã Quy Kỳ; thế nhưng điều người dân chưa kịp mừng đã phải lo vì con đập vừa mới xây dựng xong đã bị vỡ...
Nhận được phản ánh, PV Báo CCB Việt Nam đã vượt quãng đường khoảng 200km từ Hà Nội lên khu vực ATK Định Hóa để “thực mục sở thị” công trình tiền tỷ này. Trưa ngày 3-9-2016, có mặt tại thôn Tân Hợp, PV đã được ông Hứa Văn Luyên - Trưởng thôn Tân Hợp cùng một số cán bộ trong thôn đưa ra tận nơi để tận mắt chứng kiến nỗi xót xa của người dân nơi đây.
Theo một số người dân thôn Tân Hợp cho biết: “Đầu năm 2016, khi chúng tôi nghe có dự án xây dựng đập Tân Hợp để phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, bà con phấn khởi lắm. Đến ngày 19-3-2016, công trình khởi công, nhưng vui mừng chẳng tày gang, khi cơn lũ nhỏ vừa qua đã cuốn trôi mấy sào đất lúa và hoa màu”.

*Con đập xây xong không có tác dụng đưa nước vào đồng ruộng...*Ông Hứa Văn H, một người dân thôn Tân Hợp buồn rầu nói: “Có con đập là niềm mong mỏi bao đời của bà con. Nhưng trước khi khởi công xây dựng, Chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn thiết kế giám sát đã bỏ qua ý kiến của người dân bản địa. Họ xây không tính hết được “con nước” lên xuống lấy nước ra sao cho đồng ruộng, nên khi xây xong mặt tràn quá cao nước không tràn qua đập; ngược lại mương dẫn nước quá bé, lòng mương cao khiến nước không vào được đồng ruộng… Con đập xây xong không phát huy tác dụng, có đập cũng như không”.
Như minh chứng cho những lời nói của mình là có cơ sở, ông Luyên cùng một số người dân trong bản đã dẫn chúng tôi sang mặt đập gần cánh đồng. Chỉ tay về bãi đá, ông Luyên bảo: Các anh thấy đấy, vừa qua cơn lũ không lớn nhưng vì xây đập chưa chuẩn nên cơn lũ đã cuốn phăng 3 sào đất và hoa màu của mấy hộ trong thôn. “Ruộng của hộ ông Hứa Văn Tiến và ông Luân Văn Tuấn, trước là mảnh ruộng màu mỡ này trở thành bãi đá…” - ông Luyên rầu rĩ nói!
Theo ông Ngô Xuân Dùng - Bí thư chi bộ thôn Tân Hợp cho biết: Vụ Đông Xuân vừa qua, khi đập Tân Hợp mới xây xong việc lấy nước tưới rất khó khăn. Trước tình hình trên, để có nước nhiều người dân đã phải nhờ cậy, thậm chí phải “nịnh” một doanh nghiệp tư nhân quản lý trạm bơm nước mới có nước để cấy.
Vẫn theo ông Dùng, đập Tân Hợp xây rất hoành tráng nhưng bề rộng con mương quá bé, nước chảy không chỉ chậm mà mỗi cơn mưa qua con mương lại bị vùi lấp khiến cho việc lấy nước cho lúa quá khó khăn.
Dấu hiệu “rút ruột” công trình
Đi một vòng quanh con đập, khi chứng kiến con đập vừa xây dựng xong chưa kịp bàn giao nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt, ai cũng thấy xót xa.
Trên thân đập tràn xuất hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước, hai bên mương xây cao khiến nước không thể chảy lên mương. Đáng chú ý, khi lấy que gõ lên mặt đập phát ra những âm thanh bên trong thân đập nhiều điểm rỗng…
Theo người dân địa phương cho biết, trong quá trình thi công, đơn vị tư vấn giám sát lỏng lẻo nên đơn vị thi công trộn rất ít xi măng, thép dằng cũng bị “ăn bớt”… nên người dân rất lo lắng cho tuổi thọ con đập.
Để xác thực con đập cho lời phản ánh của bà con là có cơ sở, bên hông con đập, ông Ngô Xuân Dùng chỉ dùng tay đã cạy tung nhiều tảng đá bên lớp bê tông mỏng dính.
Không dừng lại ở đó, cách đập khoảng 15m, con mương dẫn nước từ đập đã bị lũ đánh sập, lộ ra khoảng hở đập thi công rất cẩu thả và sơ sài. Con mương dẫn nước, chống ngập mà lại làm mỏng manh không làm móng mà khi xây đơn vị thi công chỉ lót làm móng bằng những lớp nilon mỏng dính. Chính vì thế lũ đi qua mương đã bị... phá nát.
*Sau cơn lũ vừa qua, con đập mới xây đã bị lũ... bẻ gãy!*Trao đổi với PV, ông Luân Đức Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: Những phản ánh của báo chí và bà con thôn Tân Hợp là có thật. Tiếp nhận thông tin về thiệt hại do lũ và sự cố đập Tân Hợp xã đã thống kê và báo cáo lên huyện để chờ được giải quyết.
Sau khi con đập xây dựng xong hơn một tháng đã gặp cơn lũ về, trước đây thân đập bằng đất, bờ bao có rặng tre nên lũ không cuốn được ruộng lúa của bà con, sau khi xây dựng con đập xong, rặng tre bị chặt phá mất nên khi mưa lũ về con đập không chịu nổi sức mạnh của lũ nên bị cuốn mất hơn một sào đất của người dân thôn Tân Hợp và hơn ba sào lúa bị ngập úng mất trắng.
Được biết, công trình đập Tân Hợp xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị tư vấn giám sát là Cty TNHH Xây dựng 18 tỉnh Thái Nguyên. Công trình được sử dụng chủ yếu nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đơn vị thi công là Doanh nghiệp tư nhân Duy Tùng, thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh