Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, dài 8.933m, trong đó, cầu Nhật Tân dài 3.755,0m, mặt cắt ngang 33,2m theo quy mô cầu thiết kế vĩnh cửu, còn lại là hai đầu cầu dài 5.178 m. Tổng diện tích GPMB dự án lên tới 94,6 ha gồm đất thổ cư khoảng 6,6 ha, đất thổ canh 81,8 ha và 6,2 ha đất công cộng. Điều chỉnh thiết kế? Dự án Cầu Nhật Tân được tách ra 2 dự án thành phần: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; dự án đền bù GPMB và chuẩn bị quỹ đất TĐC phục vụ dựng án xây dựng cầu và đường đường hai đầu cầu do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, thời gian qua, hàng trăm hộ dân tổ 47B, 47C, 47D phường Phú Thượng liên tục khiếu nại cho rằng, có sự điều chỉnh thiết kế dự án nút giao phía Nam không đúng với phê duyệt quy hoạch giao thông của Thủ tướng Chính phủ đối với thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

Người dân cho biết: “ Đường dẫn phía Nam cầu, bắt đầu tại khu vực Phú Thượng, sau đó chạy song song và cách đường Lạc Long Quân khoảng 420 mét (về phía Tây), nhưng trong quá trình triển khai dự án không hiểu lý do gì, PMU 85 lại trình phương án điều chỉnh thiết kế, phát sinh thêm đường dẫn phụ (nút giao) lên cầu, đắp cao từ 4 đến 8 m, nối từ đường An Dường Vương lên cầu cắt ngang qua khu dân cư đông đúc, tạo thành một ngã ba Lạc Long Quân với đường Âu Cơ khoảng 70 mét. Theo phản ánh của một số người dân, phạm vi chỉ giới đường đỏ (CGĐ) đã bị rút xuống từ 420 mét, chỉ còn 70 mét và trong lòng chảo nút giao được sử dụng để trồng cỏ và cây cảnh… Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là để: Tránh cho các hộ dân phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi, tiếng ồn và rung trong quá trình thi công, vận hành dự án; đảm bảo tầm nhìn xe chạy, tạo mỹ quan cho thành phố và môi trường sống cho các hộ dân”.

Giải thích về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Ban điều hành dự án thuộc Ban quản lý dự án 85 (PMU85) – Bộ GTVT cho biết: Việc thiết kế nút giao Phú Thượng khi lập dự án quy hoạch được khoanh vùng phạm vi lập dự án bán kính 300 mét. Theo thiết kế, nút giao Phú Thượng, trước mắt xây dựng 2 nhánh hoa thị phía trong đê sông Hồng (đường An Dương Vương). Thiết kế này do tư vấn, lập dự án là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) của Bộ GTVT lập. Rà soát dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, giám sát xây dựng là liên doanh tư vấn Chodai Nippon Engieenering – Nhật Bản hợp tác với TEDI. Theo ông Vân thì PMU85 được Bộ GTVT giao quản lý, triển khai thực hiện dự án theo thiết kế phê duyệt.

Trái ngược với ý kiến ông Vân, người dân cho rằng: “Phương án điều chỉnh thiết kế nút giao hoa thị này là do PMU 85 hiến kế”. Điều này thể hiện ở văn bản số 441/BGTVT-CGĐ ngày 21-1-2008 của Bộ GTVT gửi hỏa tốc cho PMU85. Bên cạnh đó, phương án điều chỉnh trên được Bộ GTVT chấp thuận tại văn bản 7648/BGTVT-CGĐ ngày 27-11-2007 và UBND TP Hà Nội chấp thuận tại văn bản 19/UBND-XDĐT ngày 3-1-2008, hai văn bản này người dân cho rằng “không lấy ý kiến nhân dân” trong khu vực bị ảnh hưởng trước khi phê duyệt như Văn bản số 128/TTg-CN ngày 19-1-2006 của Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường 2 đầu cầu.

Còn nhiều bất hợp lý…

Ngoài phản ánh của người dân nói có sự điều chỉnh dự án, việc đền bù GPMB sau khi đã nâng hệ số 1,5 lần đặc thù ở dự án cầu Nhật Tân, tại nút giao hoa thị lấy vào phần đất thổ cư của 3 tổ dân phố trên áp giá đền bù quá thấp. Gần 200 hộ dân tổ 47B,C,D đã không đồng tình với việc áp giá đền bù chưa sát với giá thực tế, chỉ đền bù từ 12 đến 17 triệu đồng/m2 đất thổ cư đã có sổ đỏ. Trong khi đó, cuối năm 2010, giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhỏ lẻ, xen kẹt do quận Tây Hồ thực hiện bán đấu giá để xây dựng nhà ở trên địa bàn phường Phú Thượng lên tới 72 triệu đồng/m2 - so ra thì có sự chệch lệch khá lớn…

Một số người dân lập luận: “NĐ 69 của Chính phủ ra đời là một củ trương hết sức đúng đắn, kịp thời, góp phần điều hòa lợi ích Nhà nước - nhân dân – nhà đầu tư, giải tỏa các vấn đề “nóng” trong công tác GPMB. Nhiều địa phương trên cả nước làm rất tốt vấn đề này, hàng năm khung giá đất do các địa phương ban hành không sát với giá thị trường đều phải điều chỉnh mức tăng từ 1 đến 5 lần... Thế nhưng tại nút giao phía Nam cầu Nhật Tân lấy vào đất của 3 tổ dân phố, việc áp giá đền bù, TĐC dường như bị áp đặt, người dân buộc phải chấp nhận với phương án của cơ quan chức năng đưa ra, dù hết sức vô lý, có người mất đất, mất nhà còn phải bỏ ra 200 triệu đồng mới đủ điều kiện để vào ở một căn hộ chung cư - TĐC do cơ quan chức năng sắp xếp”.

Được biết, tổ dân phố 47B,C,D với hàng nghìn người đang sinh sống hợp pháp từ những năm 1990, phần lớn dân cư là quân nhân, sĩ quan quân đội nghỉ hưu, viên chức nhà nước…, hạ tầng cơ sở nơi họ đang ở là những căn nhà khang trang, cao 3, 4, 5 tầng có nhiều thế hệ sinh sống, được xây dựng bằng chính số tiền dành dụm lương hưu nhiều năm của họ, nay lại phải phá đi để làm bãi trồng cỏ, cây xanh với số tiền tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng thì rất là lãng phí… Điều mà người dân hiện nay nghi ngại, ngay cạnh khu đất thu hồi này, TP Hà Nội lại ưu ái cho một đơn vị của Sở GTVT Hà Nội xây dựng 2 khối nhà dịch vụ cao 8 tầng và 18 tầng nằm gần với nút giao phía Nam cầu Nhật Tân, bám dọc mặt đường Lạc Long Quân để kinh doanh thì không biết có ảnh hưởng khói bụi, tiếng ồn của các phương tiện giao thông đi lại khi dự án hoàn thành…? Những bất hợp lý mà người dân đưa ra so sánh ở dự án GPMB nút giao phía Nam cầu Nhật Tân nêu trên, đề nghị Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sớm xem xét

Doanh Chính