Dự án nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 486 B ( tỉnh Nam Định)

** Tỉnh nói có! **
Tại Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 24/3/2011 của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 486B (đường 56 cũ) đoạn từ thị trấn Liễu Đề đến cầu Hà Lạn với tổng mức đầu tư ban đầu là 306 tỷ 529 triệu đồng, trong đó tiền đền bù, GPMB là 38 tỷ 771 triệu đồng. Ngày 17/10/2011, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định điều chỉnh bổ sung, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 551 tỷ 673 triệu đồng, trong đó tiền giành cho đền bù, GPMB cũng tăng lên 47 tỷ 771 triệu đồng.

Theo như Quyết định số 463 nêu trên, cụ thể tại Mục 6 của Quyết định này nêu rõ về phương án GPMB, tái định cư như sau: Chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện công tác GPMB theo quy định tại Luật đất đai năm 2003, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính Phủ, Quyết định số 33/2010/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 của UBND tỉnh và các quy định hiện hành khác. Còn tại Mục 8 nói về nguồn vốn đầu tư từ: Trái phiếu Chính phủ, Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Liên quan đến công tác GPMB dự án nêu trên, chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải Nam Định có Tờ trình số 1075/SGTVT- GPMB, ngày 17/8/2011 về việc giao nhiệm vụ cho các địa phương thực hiện công tác GPMB dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 486B. Tại công văn này, đã nêu: “… Để dự án triển khai đảm bảo tiến độ, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh Nam Định giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác GPMB… cho các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh và Hải Hậu (UBND huyện Hải Hậu tổ chức GPMB đoạn từ Km41+234 đến Km51+00 – từ cầu 12 đến cầu Hà Lạn)”.

Ngày 8-7-2013, UBND tỉnh Nam Định ra tiếp công văn số 372/UBND-VP5 về việc đôn đốc chỉ đạo công tác GPMB một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh trong đó có dự án nâng cấp đường 486B từ thị trấn Liễu Đề đến cầu Hà Lạn. Trong đó Mục 2 của công văn nêu rõ: “ Việc thực hiện áp giá vào phương án đền bù, hỗ trợ GPMB phải đúng các chính sách hỗ trợ, tái định cư theo Quyết định của Nhà nước và UBND tỉnh. Trong trường hợp cá biệt, phải vận dụng thì UBND các huyện, thành phố đề xuất mức vận dụng, thông qua Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh. Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh bằng văn bản, thì UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Hội đồng GPMB công khai phương án …”.

Như vậy có thể khẳng định rằng về chủ trương đền bù, GPMB dự án này, UBND tỉnh và chủ đầu tư là Sở GTVT Nam Định đã có các văn bản rất rõ ràng, cụ thể về việc chỉ đạo các huyện thành lập các Hội đồng bồi thường, GPMB. Thế nhưng, khi các cấp cơ sở (cấp huyên, xã) triển khai dự án thì lại nói với người dân là do tỉnh khó khăn về kinh tế nên không có tiền đền bù và họ đã dùng chiêu vận động bà con là “hiến đất” làm đường.

Huyện bảo không!

Theo phản ánh của người dân, có rất nhiều hộ dân không đồng ý việc hiến đất để làm đường. Xin nêu một trường hợp điển hình là hộ gia đình anh Vũ Quốc Đạt (vợ là chị Bùi Thị Phượng), ở xóm 4, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu. Anh Đạt cho biết: Năm 1993, bố anh mua lại ngôi nhà và diện tích đất 115m2 của ông Trần Văn Lộc, thuộc thửa đất số 167, tờ bản đồ số 1, bản đồ 299. Trong quá trình sử dụng, anh đã đóng nộp nghĩa vụ thuế đầy đủ. Tuy nhiên, khi chính quyền huyện Hải Hậu lấy đất để làm đường, gia đình anh Đạt bị mất 70m2 nhưng không được đền bù, thậm chí anh Đạt còn bị cho là lấn chiếm lòng lề đường (về nội dung này, xin đề cập ở bài sau). Cũng tương tự như hộ gia đình anh Đạt, gia đình ông Đoàn Mạnh Dũng, ở xóm 4, xã Hải Phương bị dự án lấy mất 50m2 nhưng cũng không được đền bù.

Để nhằm vận động người dân hiến đất một cách nhanh chóng và không nghi ngờ gì, một số xã đã “nghĩ ra” một cách khiến người dân rất dễ tin và nghe theo, cụ thể như trường hợp hộ gia đình ông Vũ Kế Quang, ở đội 6A, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, UBND xã Hải Thanh đưa ra một Biên bản là: “Biên bản xác nhận diện tích đất nâng cấp, cải tạo tuyến đường 486B”, nội dung Biên bản ghi: “UBND xã Hải Thanh xác nhận gia đình ông Vũ Kế Quang đã để ra số đất để nâng cấp, cải tạo tuyến đường và làm rãnh thoát nước với tổng diện tích là 25,4m2”, và UBND xã cũng “than khó” với người dân là: “Do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhà nước không có chính sách đền bù, hỗ trợ mà vận động nhân dân trên tuyến đường cần GPMB tạo điều kiện cho tập thể. Ông bà Quang không tự nguyện hiến đất vẫn để cho nhà nước thi công công trình cải tạo đường và xây dựng rãnh thoát nước dọc” và UBND xã hứa là: “ Nếu khi nào nhà nước có chính sách đền bù hỗ trợ thì UBND xã sẽ có trách nhiệm thông báo với gia đình”.
Cũng tương tự như thế, hộ gia đình ông Vũ Mạnh Chung, trú tại đội 6A, xã Hải Thanh cũng bị mất 26,4m2 nhưng cũng không được đền bù hay hỗ trợ một đồng nào mà cũng chỉ được thông báo là: “Khi nào nhà nước có chính sách đền bù hỗ trợ thì UBND xã sẽ có trách nhiệm thông báo tới gia đình ông bà”.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm hộ dân có nhà, đất nằm bên cạnh đường 56 cũ, nay là tỉnh lộ 486B khi nâng cấp, cải tạo, họ đều không được nhận tiền đền bù, hay hỗ trợ của các cấp chính quyền và đều phải hiến đất, với lý do mà các quan chức đưa ra là “Không có kinh phí đền bù”.
Hiện rất nhiều người dân có đất bị giải tỏa bởi dự án này vẫn còn đang rất băn khoăn và đặt câu hỏi: Tại sao lại không có tiền đền bù, GPMB? Câu hỏi này xin gửi tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan liên quan tỉnh Nam Định xem xét và trả lời công luận./.

Quốc Hưng