Dự án Khu vườn cây xanh chân hòn Cặp Bè (TP. Hạ Long, Quảng Ninh): Vì sao người dân không đồng thuận?
Không đồng thuận từ khi có chủ trương
Dự án Khu vườn cây xanh chân hòn Cặp Bè (phường Bạch Đằng, T.P Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được UBND T.P Hạ Long phê duyệt Quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3055/QĐ-UBND ngày 14-12-2012. Theo đó, dải đất sát chân hòn Cặp Bè có 15 hộ gia đình bị thu hồi đất để thực hiện Dự án.
Ngày 5-1-2013, UBND T.P Hạ Long ban hành Thông báo thu hồi đất số 150/TB-UBND. Theo thông báo này, chính quyền sẽ thu hồi 5.545m2 (làm tròn) đất tại khu vực tổ 65, khu 5B, phường Bạch Đằng để giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố thực hiện công tác bồi thường GPMB. Tuy nhiên, khi tiến hành đền bù GPMB, đã vấp phải phản ứng của người dân.
Ông Nguyễn Đức Phú - Phó giám đốc BQLDA T.P Hạ Long cho hay: Ngay từ khi có thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án, đã không nhận được sự đồng thuận của người dân. Mặc dù tổ công tác gửi giấy mời, gọi điện, nhắn tin cho các hộ dân đến họp nhưng người dân không đến.
Theo ông Phú, đây là dải đất hẹp, sát vách núi, rất nguy hiểm nên không thể cấp GCNQSD đất cho người dân xây nhà ở được.
Vẫn theo ông Phú, để đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi, phía Ban QLDA rất cần sự phối hợp của người dân. “Các hộ dân cần bổ sung các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, thời gian sử dụng đất như: Giấy tờ nguồn gốc đất, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hóa đơn thuế nhà đất, biện lai sử dụng điện, nước... để xem xét, giải quyết quyền lợi cho người dân”- ông Phú nói.
Mong muốn ổn định cuộc sống tại chỗ!
Ông Hoàng Hữu Côi - Tổ trưởng tổ dân phố 65 K5B cho biết: Hầu hết các hộ dân đã sống ở đây qua nhiều thế hệ, nay có cụ già đến 80-90 tuổi cùng 3 đến 4 thế hệ con cháu vẫn sinh sống ở đây!
Theo ông Côi, từ khi khi không quân, hải quân Mỹ đánh phá miền Bắc, để tránh bom đạn trên biển, dân vạn chài phải dạt vào bờ trú ngụ, sau đó, người dân khai khẩn phục hóa, tôn tạo, cắm cọc sát chân núi và làm sàn gỗ ở.
Ông Côi thuật lại: Thuở ấy, chúng tôi không có đường đi, không có điện, không có nước, cuộc sống vô cùng khó khăn, khổ sở. Để khắc phục được chỗ ở, chúng tôi phải dùng thuyền nan chở từng viên đá để làm mặt bằng… Cho tới năm 1990, chính quyền kéo điện về cho người dân, sau đó người dân góp tiền đổ đường đi.
“Kể từ năm 1990, khi Nhà nước có chủ trương thu thuế sử dụng đất, chúng tôi đã đóng thuế nhà đất đầy đủ. Đến khi dự án Đường bao biển Lán Bè - Cột Đồng hồ và mặt bằng Công viên văn hóa Hạ Long triển khai (năm 2009) thì chính quyền không thu thuế nữa. Khi dự án triển khai, đường phố sạch đẹp, nhiều khu đất trước kia chúng tôi được thông báo và thu hồi làm công viên thì giờ đây mọc lên thành nhà hàng, khách sạn, quán karaoke và nhiều nhà cao 6 đến 7 tầng. Trong khi đó, những người dân bản xứ như chúng tôi vẫn phải sống trong những ngôi nhà lụp xụp, không được giải quyết cấp GCNQSĐ đất, không được cấp phép xây dựng. Giờ đây lại lấy hết đất, không cho chúng tôi ổn định cuộc sống ở đây…” - ông Côi chua chát nói!
Theo phương án đền bù, hỗ trợ GPMB của các hộ dân bị thu hồi đất, tổng số tiền đất đền bù về đất (5.545m2) chỉ khoảng 271 triệu đồng (chưa tính đền bù vật liệu kiến trúc). Trong đó, có 4 hộ gia đình được đền bù 0 (không) đồng; số còn lại được hỗ trợ công tôn tạo đất từ 1,67 triệu đến 7,35 triệu đồng/hộ; hộ gia đình được hỗ trợ đền bù cao nhất là trên 110 triệu đồng. Đây thực sự là phương án hỗ trợ, đền bù rẻ mạt. Nếu so ra, mỗi mét vuông đất không mua nổi bát phở bình dân (khoảng 22.000 đồng).
Bà Tống Thị Thủy (chồng là Mai Viết Hùng - hội viên CCB, bị nhiễm chất độc da cam) bức xúc nói: Khu vực chúng tôi đang sinh sống là khu vực đắt giá nhất của thành phố. Sở dĩ chúng tôi không đồng thuận chủ trương thu hồi đất của thành phố bởi chúng tôi nghi ngờ việc UBND T.P Hạ Long lấy đất không đền bù cho chúng tôi để thực hiện Dự án Khu vườn cây xanh chân hòn Cặp Bè, nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bán hoặc chuyển đổi thành đất ở, đất nhà hàng, khách sạn, dịch vụ khác. “Nếu vì lý do nguy hiểm đến tính mạng con người mà không cấp GCNQSĐ đất cho chúng tôi thì tại sao chính quyền lại cấp phép cho Nhà hàng Hồ Cô Tiên cheo leo trên vách núi, tổ chức các sự kiện tập thể, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng con người cao và số lượng lớn hơn” - bà Thủy so sánh.
Như những gì bà Thủy nói, “thực mục sở thị” của PV, dọc dải đất ven chân hòn Cặp Bè, có nhà hàng Hồ Cô Tiên tồn tại với chức năng nhà hàng, trung tâm hội nghị, tiệc cưới sang trọng. Cùng với đó là nhiều công trình phù trợ nằm cheo leo trên vách núi, thậm chí được khoét sâu, chui vào gầm vách núi, xen kẽ nhiều tảng đá… phục vụ mục đích du lịch, ngắm cảnh, vui chơi, giải trí.
Chính vì vậy, người dân có quyền đặt câu hỏi: Nhà hàng Hồng Cô Tiên nằm dưới chân hòn Cặp Bè khi đi vào hoạt động có đảm bảo an toàn tính mạng cho khách hàng hay không? Trong khi tại sao lại trả lời người dân là không thể cấp được GCNQSĐ đất cho người dân do “đây là dải đất hẹp, sát vách núi, rất nguy hiểm…., không thể cấp GCNQSD đất cho người dân xây nhà ở được”!
Có lẽ, do “nhất bên trọng - nhất bên khinh” và đền bù rẻ mạt, xác định nguồn gốc đất chưa chính xác là nguyên nhân người dân chưa đồng thuận trong việc bàn giao mặt bằng cho Dự án…
Bài và ảnh: Doanh Chính và nhóm PV