Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc (T.P Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận): Phân lô bán nền khi chưa hoàn thiện hạ tầng

Đền bù rẻ mạt, bớt xén hỗ trợ giá đất ở?
Theo đơn phản ánh của các hộ dân Khu phố 7, đường Ngô Gia Tự, phường Thanh Sơn, TP. Phan Rang-Tháp Chàm thì: Toàn bộ diện tích đất bị thu hồi để thực hiện Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc (khu K1) được các các hộ dân sử dụng từ trước năm 1945. Đây là khu dân cư hình thành lâu đời và là khu “đất vàng” nằm giữa TP. Phan Rang - Tháp Chàm.
Năm 2011, UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận cho phép Công ty CP Đầu tư bất động sản Thành Đông - Ninh Thuận (Cty Thành Đông) đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc tại Quyết định số 1170/QĐ-UBND ngày 25-5-2011. Theo đó, Dự án có diện tích 60,1ha, với tổng vốn đăng ký 898 tỷ đồng. Dự án ảnh hưởng đến 946 hộ gia đình và 4 tổ chức đang sinh sống và hoạt động tại địa bàn phường Thanh Sơn và Mỹ Bình của T.P Phan Rang -Tháp Chàm. Dự án cũng dự kiến bố trí tái định cư 370 lô đất.
Trong Công văn số 446/UBND-HĐBT ngày 7-7-2010, UBND T.P Phan Rang -Tháp Chàm gửi Cty Thành Đông về phương án bồi thường, hỗ tợ và tái định cư xác định đất đai ở đây hầu hết là đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Theo đó, đơn giá bồi thường dao động từ 60 đến 80 nghìn đồng/m2 tùy từng vị trí đất.
Cũng theo Công văn này, UBND T.P Phan Rang - Tháp Chàm xác định hỗ trợ về đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất (tùy loại) ngoài việc bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 40 hoặc 50% giá đất ở trung bình của khu vực theo bảng giá đất của địa phương. Tuy nhiên, theo phản ánh, nhiều hộ dân tiếp giáp mặt đường Ngô Gia Tự chỉ được hỗ trợ 30% giá đất ở (?).
Từ những thực tế trên, một số người dân bức xúc cho rằng: Chính quyền thu hồi đất đền bù với giá “rẻ mạt”, rồi giao cho doanh nghiệp, để phân lô bán nền với giá cao. Người dân cho rằng đã bị xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp, tạo nên bức xúc kéo dài trong dư luận. Những năm qua, nhiều văn bản của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng… chuyển đến chính quyền và các ban, ngành của tỉnh Ninh Thuận, đề nghị giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay, khiếu nại của các hộ dân vẫn chưa được giải quyết thoả đáng…

Dấu hiệu thực hiện Dự án trái quy định pháp luật?
Nỗi bức xúc của người dân càng trở nên cao hơn khi người dân chỉ được đền bù giá đất nông nghiệp với đơn giá 60 nghìn đồng/m2 thì Cty Thành Đông đã phân lô, bán nền cho các hộ dân với giá 10 triệu đồng/m2. Điều đáng nói là trong khi hạ tầng cơ sở vẫn chưa hoàn thiện, thì các lô đất được chủ đầu tư phân lô với diện tích 90m2/lô và được Sở TNMT tỉnh Ninh Thuận cấp GCNQSD đất từ giữa năm 2016. Đơn cử như: Hộ bà Bùi Thị Duy Hương được cấp ngày 7-7-2016 (số hiệu CD 266848); hộ ông Huỳnh Văn Hiếu được cấp ngày 22-4-2016 (số hiệu CC729173); hộ bà Trần Thị Bích Phượng được cấp ngày 24-6-2016 (số hiệu CD 266030),….
Trả lời báo chí về sự việc trên, ông Lê Ngọc Thạch - Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Ninh Thuận cho biết: “…Hạ tầng Dự án đúng là có những đoạn chưa hoàn thành… Tại thời điểm đấy, UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng trên cơ sở kiểm tra diện tích, xác định không thay đổi hiện trạng thì cấp cho nhà đầu tư; nhà đầu tư thực hiện cái quyền này đối với người sử dụng đất có nhu cầu… Tôi chỉ nói với tinh thần thực lòng nhất…, thực tế là có văn bản chỉ đạo của Tỉnh đồng ý cho Sở TNMT thông báo cho chủ đầu tư khi chưa hoàn thiện hạ tầng vẫn chấp thuận cấp sổ cho các hộ dân…”.
Về nội dung nhiều hộ dân tiếp giáp mặt đường Ngô Gia Tự chỉ được hỗ trợ 30% giá đất ở thay vì 40 hay 50%, ông Thạch nói: “Tôi sẽ ghi nhận ý kiến này và báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo UBND thành phố rà soát lại” (?).
Liên quan đến các nội dung trên, Luật sư Hoàng Văn Tùng - Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư T.P Hà Nội phân tích: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003 quy định việc Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế: “Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”. Điều này có nghĩa là Cty Thành Đông được (hoặc phải) thỏa thuận đền bù hỗ trợ GPMB với người dân có đất bị thu hồi.
Cũng theo Luật sư Tùng, Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc là khu đô thị mới hoàn toàn nên bắt buộc phải “đảm bảo phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội” theo quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 3 Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, pháp luật quy định, kể cả đối với các Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê (dự án thương mại) thì điều kiện chuyển nhượng QSD đất dưới hình thức phân lô, bán nền cũng phải đảm bảo quy định tại Mục b, Khoản 1, Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ: “Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải”.
Đối với Dự án Khu Đô thị mới thì yêu cầu còn phải chặt chẽ hơn tức là phải thực hiện xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như phải có đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước thì mới được phân lô, bán nền theo Điều 11, Thông tư 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21-11-2013 giữa Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ.
Do vậy, việc đền bù GPMB và phân lô bán nền đã và đang xảy ra tại Dự án khu đô thị mới Đông Bắc là chưa đúng với quy định của pháp luật - luật sư Tùng nói.
Chính Nhi và nhóm PV