Dự án hỗ trợ hòa nhập cộng đồng: Cứu cánh của nạn nhân da cam
Đoàn công tác Làng Hữu Nghị Việt Nam trao vốn hỗ trợ của Dự án cho anh Lê Đình Cường ở thôn Quan Phát (Cẩm Vân, Cẩm Thủy, Thanh Hóa).
Cùng với nhận chăm sóc, chữa trị cho CCB bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở 34 tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế trở ra các tỉnh phía Bắc, Làng Hữu Nghị Việt Nam còn có nhiệm vụ nuôi dưỡng, dạy dỗ thường xuyên khoảng 120 con, cháu CCB bị di chứng do chất độc hóa học. Các cháu được chăm sóc, điều trị từ 3 đến 5 năm, cũng có thể lâu hơn tuỳ theo mức độ tiến triển và khả năng hoà nhập cộng đồng của mỗicháu.
Không chỉ được chăm sóc, chữa bệnh, các cháucòn được tham gia học tập các lớp văn hoá vànhững kỹ năng sống cơ bản. Ngoài ra, tuỳ theo điều kiện, khả năng nhận thức từng cháumà các cô giáo định hướng và sắp xếp cho học một số nghề tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề của Làng. Một số cháumặc dù bị khuyết tật bẩm sinh nhưng trí tuệ bình thường, có tư duy tốt và khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng thì được Làng liên hệ với chính quyền và nhà trường trên địa bàn tạo điều kiện cho các cháu được tham gia học văn hoá.
Sau khi học xong và sức khỏe ổn định, về hoà nhập cộng đồng, có những em đã tìm được việc làm phù hợp. Nhưng nhiều em có cha mẹ già ốm đau bệnh tật, gia đình có người bị di chứng chất độc hóa học nặng nề, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, khiếncác em không có cơ hội làm kinh tế, tự lo cho bản thân.
Nhằm giảm gánh nặng cho xã hội khi đưa các emtái hoà nhập cộng đồng, Làng Hữu Nghị Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Quốc tế về Làng Hữu Nghị và được Uỷ ban Quốc gia Mỹ về Làng Hữu Nghị đứng ra thành lập và vận động tài trợ Quỹ “Hỗ trợ các cháu hoà nhập cộng đồng”. Quỹ hoạt động được 2 năm và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Để thực hiện dự án, Làng Hữu Nghị Việt Nam tiến hành đầy đủ quy trình từ việc tiếp nhận hồ sơ “Dự án” theo mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của các em đã về hoà nhập cộng đồng; khảo sát thực tế về điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, hoàn cảnh gia đình, khả năng tự chủ của bản thân... để xác định mức độ khả thi rồi mới lập danh sách đề nghị Uỷ ban Quốc gia Mỹ phê duyệt và cấp tiền hỗ trợ cho các cháu.
Năm 2019, có 5 em được cấp tiền hỗ trợ, đến nay các emvẫn duy trì hoạt động đạt hiệu quả tốt. Điển hình là mô hình chăn nuôi gà chọi của em Lê Đức Quang ở thôn Bột Trung, xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá và em Vũ Thị Thuỳ Linh ở thôn Đồng Bộn,xã Vũ Linh,huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Các em không chỉ duy trì, bảo tồn được nguồn vốn được trao mà lợi nhuận các em thu được cũng đủ trang trải trong cuộc sống hằng ngày.
Em Đinh Thị Thuý, sinh năm 1990, ở tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Khánh Linh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình thì bị câm điếc bẩm sinh. Mô hình phát triển kinh tế của Thuý là “vườn - ao - chuồng” - chăn nuôi bò sinh sản đểbán bê con;chăn nuôi ngan, gà, thả cá cũng mang lại kết quả tốt.
Là 1 trong 5 người được nhận hỗ trợ vốn từ Dự án “Quỹ hỗ trợ các cháu hoà nhập cộng đồng”, em Nguyễn Thị Oanh, ở xóm 2, thôn Yên Cư, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình bị bại liệt từ nhỏ, đi lại phụ thuộc vào xe lăn. Sau khi ở Làng Hữu Nghị Việt Nam trở về, Oanh thực hiện mô hình chăn nuôi gà và đào ao nuôi cá. Đến nay, việc chăn nuôi mang lại thu nhập tốt.
Với số tiền là 27 triệu đồng, chị Lê Thị Hương Trà, ở thôn Bế Hầu, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng chuồng trại, làm hàng rào lưới thép B40, mua sắm các vật dụng phục vụ cho việc chăn nuôi gà, vịt mang lại thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Năm 2021, Dự án tiến hành thực hiện đợt 1 vào cuối tháng 3 vừa qua. Người nhận hỗ trợ là chị Nguyễn Thị Hồng, ở thôn Vân Hoài, xã Nga Phương, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Cùng Đoàn công tác và cán bộ xã Nga Phương vào thăm nhà chị Hồng, chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy chị ngồi trên giường với cái chân bó bột do bị tai nạn giao thông từ giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ở căn buồng bên cạnh, mẹ của Hồng - bà Hà Thị Khuyến một cựu TNXP cũng nằm liệt do tai biến mạch máu não từ năm 2017. Tiền sử của Hồng là teo cơ bẩm sinh, chậm phát triển từ nhỏ. Sau thời gian được chăm sóc tại Làng, Hồng trở về nhà ở cùng gia đình.
Khi chưa được tiếp cận với “Dự án hỗ trợ các cháu hoà nhập cộng đồng”, nhờ có sự giúp đỡ của Ngân hàng CSXH cho vay vốn và sự giúp đỡ của anh trai, Hồng đã nuôi tôm thành công trên diện tích đầm hơn 7 sào. Sau khi được trao vốn lần thứ nhất, cô thuê thêm gần 9 sào đầm để nuôi tôm. Tổng số tiền Hồng nhận được là 35,5 triệu đồng.
Cùng đợt này, Đoàn công tác cũng trao vốn hỗ trợ của Dự án cho anh Lê Đình Cường, ở thôn Quan Phát, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá số tiền 31,85 triệu đồng.
Còn rất nhiều các em khác sau khi về hoà nhập cộng đồng đềukhao khát được đứng trên đôi chân của mình. Song hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn nên các em chưa có cơ hội để thực hiện ước mơ đó. Làng Hữu Nghị Việt Nam đã làm và rất muốn giúp được thêm nhiều cháu hơn nữa nhưng hiện nay nguồn quỹ vốn rất hạn hẹp nên mới chỉ trao đến tay một số em. Rất mong việc làm đó nhận được sự đồng tình ủng hộ và tiếp sức của các tổ chức, cá nhân để nhiều con, cháu CCB bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin có cơ hội tự lo cuộc sống tốt hơn.
Bài và ảnh: Phạm Thanh