Đốt vàng mã có trái với lời dạy của Phật?:
Tính ra những năm gần đây, nước ta mỗi năm đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn số tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng ở TP. Hà Nội, số tiền mua và làm vàng mã lên tới hơn 400 tỷ đồng/năm.
Có một nhận thức khá phổ biến ở những người đi lễ đều cho rằng thờ cúng phải đốt vàng mã mới tỏ lòng thành được với Đức Phật. Càng đốt nhiều thì lòng thành càng cao, để mong Ngài ban cho công việc thuận lợi, học hành đỗ đạt, buôn may bán đắt và giàu sang phú quý…(!).
Vấn nạn lãng phí và mê tín dị đoan này tuy đã được rất nhiều các vị Đại Đức, Thượng Tọa, các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo phân tích, chỉ rõ đúng, sai trên các phương tiện truyền thông, nhưng vẫn chưa “ngấm” vào các “Phật tử”!, nên tình trạng đốt vàng mã không những không giảm mà còn ngày một tăng và nó nghiêng hẳn sang mê tín, dị đoan.
Có thể nói đốt vàng mã, bắt nguồn từ nhận thức sai lệch của đa số người dân về Đức Phật nói riêng và Đạo Phật nói chung.
Vậy Đức Phật là gì? Đức Phật không phải là một vị thần, hay vị thánh như lâu nay nhiều người nhầm tưởng. Mà Đức Phật là một hoàng nhi ở miền Bắc Ấn Độ. Nhờ tu luyện mà biết nguyên nhân khổ đau của kiếp người và phương cách vượt thoát khổ đau. Ngài đi chu du khắp nơi để truyền dạy cho mọi người những gì mà Ngài đã chứng ngộ. Lòng từ bi và đức tính kham nhẫn của Ngài là một sự kỳ diệu đã khiến cho hàng nghìn người làm theo.
Chính vì thế mà Đạo Phật (Buddhism) là triết học của sự tỉnh thức, khuyên dạy con người nên cố gắng phát triển khả năng tri thức của mình đến chỗ cùng tột để có thể hiểu biết một cách rõ ràng. Đạo Phật cũng dạy chúng ta làm lớn mạnh lòng từ bi và lòng nhân ái để mình có thể trở thành một người bạn chân thành đối với tất cả chúng sinh...
Theo truyền thống Ấn Độ cổ xưa, đường giải thoát của con người được phân chia làm ba loại: đường sùng tín (bhakti-magga), lễ nghi (kamma-magga) và trí tuệ (nana-magga). Đạo Phật thuộc loại đường thứ ba. Nghĩa là trí tuệ không phải ở trên trời rơi xuống, cũng không phải do Thượng đế hay thần linh nào ban cho, mà là do chính mỗi người tự phát triển, theo con đường giải thoát vạch ra bởi Đức Phật.
Với phép biện chứng khoa học, theo thời gian, những bài thuyết giảng của Đức Phật đã chỉ ra rằng: Con người sướng, hay khổ là do chính bản thân ta quyết định. Và nó đã mau chóng trở thành triết lý sống để giúp con người tu tâm dưỡng tính, cải thiện bản thân để có một cuộc sống an lành và bình yên hơn.
Khác với Đức Phật, Đạo Giáo mang tính thần thoại, huyền bí, hình thành từ thời Trung Quốc cổ đại-khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, với quan niệm: Từ thủa chưa có trời đất thì Trung Quốc đã có 3 vị thần, là Nguyên Thủ Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thượng Lão Quân (đây là quan niệm hạn chế nhất đã giữ chế độ phong kiến Trung Quốc kéo dài nhất trong lịch sự phát triển thế giới).
Thờ cúng ba vị thần này phải “trần sao, âm vậy” - trong đó có cả phần phép thuật, trừ tà, trấn yểm, giải hạn, dâng sao, coi bói, đốt vàng mã để cầu tài, xin lộc. Không dừng lại ở Trung Quốc, Đạo Giáo du nhập sang các nước lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nước ta bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ từ trước Công nguyên kéo dài hàng nghìn năm, nên chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, trong đó có tục thờ cúng sâu nặng nhất.
Vậy là, Đạo Phật đã bị biến tướng cùng với phần mê tín dị đoan của Đạo Giáo để trở thành một Tôn Giáo với nhiều lễ nghi cúng bái, thờ phụng trái với lời dạy của Phật.
Bản thân Đức Phật từ một nhà triết học lại bị đẩy lên thành một vị Thánh thần có “quyền lực vô song” để ban phát cho thiên hạ tài lộc, may mắn và quyết định luôn cả số mệnh con người!
Và thật đáng buồn, lẽ ra chùa chiền phải là nơi để những vị chân tu giảng dạy cho thiên hạ cái triết lý nhân sinh quan cao quý của Đức Phật thì ngày nay nó đã bị biến tướng thành những “trung tâm mê tín dị đoan; buôn thần bán thánh” mà trong đó có đầy đủ mọi dịch vụ cúng bái, trừ tà, diệt ma, dâng sao giải hạn, đốt vàng mã. Đó chính là kết quả của sự nhận thức không đúng.
Nhiều công trình nghiên cứu tôn giáo trên thế giới cho rằng: Sự tụt hậu kém phát triển của các nước Á Đông chính là ở chỗ thay vì cố gắng phấn đấu để thay đổi thực tại, thì con người lại chỉ biết thờ cúng xin Trời Phật phù hộ ban cho của cải tiền tài, vật chất.
Ngược lại, các nước phương Tây cho dù rất sùng Đạo. Điển hình như đồng tiền của Mỹ còn in dòng chữ “In god we Trust” (Chúa là nơi chúng con đặt niềm tin). Thế nhưng người phương Tây lại không xin Chúa ban tiền của tài lộc. Mà Chúa chỉ là nơi họ gửi gắm niềm tin để có sức mạnh tinh thần vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà thôi.
Thích Phước Tâm