Đột phá!
Chuyện Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc bị kỷ luật do tổ chức “khoán chui” thì nhiều người đã biết. Rõ ràng, nếu không có những người đứng đầu dũng cảm như các đồng chí Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt... chúng ta không thể tìm ra khâu đột phá để đổi mới, phát triển như hiện nay.
Đột phá ban đầu là một thuật ngữ quân sự, dùng để chỉ thủ đoạn chọc thủng, phá vỡ một số đoạn trong hệ thống phòng ngự của đối phương, để mở đường tiến quân, nhưng trong thời gian gần đây, từ những diễn đàn lớn của quốc gia đến câu chuyện thường ngày của từng nhóm nhỏ, người ta hay nhắc đến từ đột phá, với mong muốn tạo ra những bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội. Như Quốc hội vừa thảo luận Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, với mong muốn tạo ra một loạt ưu đãi đặc thù trong một đơn vị hành chính có những lợi thế đặc biệt nhằm tạo đà đột phá cho sự phát triển kinh tế...
Muốn đột phá phải táo bạo. Không có tư duy đổi mới táo bạo, hành động táo bạo thì không thể có đột phá. Lịch sử ghi nhận đồng chí Trường Chinh là “kiến trúc sư của công cuộc đổi mới” là vì trước thềm Đại hội VI của Đảng, nhận thấy Dự thảo Nghị quyết trình Đại hội vẫn chưa dám “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới nên đồng chí Trường Chinh đã chỉ đạo viết lại. Bản thân đồng chí Trường Chinh xác định: "Phải đổi mới tư duy, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của chính mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp". Nhờ vậy mà đường lối Đổi mới ra đời, xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay.
Muốn tìm ra “con đường đột phá” phải có những người đứng đầu dũng cảm, không sợ kỷ luật, không sợ tai tiếng với tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”.
Trong tình hình đất nước hiện nay, khi một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền liên kết với nhau một cách chằng chịt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đan ngang đan chéo vào nhau thành những “nhóm lợi ích”, công tác cán bộ bị tiêu chí “nhất quan hệ, nhì hậu duệ, ba tiền tệ…” chi phối thì tìm đâu ra những con người dám dũng cảm đột phá, khai lối mở hướng đi lên cho đất nước như các đồng chí Trường Chinh, Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt… trước đây?
Vừa rồi, có một cán bộ bỗng vụt sáng, trở thành hiện tượng của truyền thông, mỗi lời ông nói đều trở thành thông điệp mạnh mẽ, mỗi bước đi của ông đều có hàng chục phóng viên bám theo. Quan sát một số lời nói, việc làm của ông, những người thận trọng đều nói rằng ông hơi quá đà, nhiều việc ông làm đã phạm vào nguyên tắc tổ chức - kỷ luật. Nhưng vì là “ngôi sao đang lên” khiến nhiều người tặc lưỡi bỏ qua, có người thì lại cho rằng ông chính là đại diện cho cái mới, dám dũng cảm đột phá vào những trì trệ, lùng nhùng của cơ chế hiện tại…
Nhưng ngay từ thời điểm đó, đã có những ý kiến bình tĩnh, khách quan, dù nhỏ nhẹ nhưng nói rằng, cách làm của ông không phải là hành động đột phá. Và quả là không lâu sau đó, những sai phạm của ông này bị bóc gỡ, ông bị kỷ luật, rồi bị khởi tố mà vẫn phải thừa nhận tổ chức đã làm “có lý, có tình”; thậm chí ông còn buột miệng: “Giá như trước đây tôi được kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng thì đã không phạm phải sai lầm, khuyết điểm lớn như hiện nay”.
Rõ ràng, người đột phá không phải là những người “dám làm” để thể hiện bản thân. Người đột phá là người chấp nhận có thể bị hiểu nhầm, thậm chí bị kỷ luật nhưng động cơ của họ phải hoàn toàn trong sáng, phải là người trăn trở, đau đáu tìm ra hướng phát triển cho đơn vị, địa phương, quyết tâm rũ bỏ những gì cũ kỹ, níu kéo, trì trệ, cản trở sự phát triển của cơ chế hiện hành.
Cho nên, trong việc xây dựng lớp cán bộ cho thời kỳ hiện nay và mai sau, vấn đề cốt lõi là phải tìm ra được những con người tài đức dám đột phá. Muốn tìm ra những người như vậy, chẳng những Đảng phải đổi mới quy trình công tác cán bộ, đổi mới phương thức tuyển chọn nhân tài mà còn phải biết đoạn tuyệt với những “nhóm lợi ích” trong công tác cán bộ.
Trước hết, phải nhấn mạnh mục tiêu của công tác cán bộ là “tìm người tài chứ không tìm người nhà” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Làm được như câu nói đó cũng chính là một mũi đột phá trong công tác cán bộ hiện nay!
Nguyễn Hồng