Đột phá trong cải cách hệ thống tiền lương

*Người lao động kỳ vọng vào việc cải cách hệ thống tiền lương sẽ đem lại thu nhập đủ bù đắp sức lao động đã bỏ ra.
*
Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Trong khi đó, các đối tượng nghỉ hưu, hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách khác là gần 7,5 triệu người, ước tính số này tương đương 8,3% dân số. Tất cả đều dựa vào hệ thống lương hiện tại để quy ra số tiền được hưởng.

Hoàng Anh tốt nghiệp bác sĩ Y khoa, theo sự sắp sếp của bố mẹ, vào làm tại một bệnh viên công đầu ngành với mức lương khởi điểm có hệ số 2,34, thêm 40% phụ cấp ngành Y, cộng toàn bộ các khoản ăn trưa, trực... được hơn 5 triệu đồng/ tháng, nên nhiều khoản vẫn phải dựa vào chu cấp của bố mẹ. Dũng, bạn cùng lớp Y khoa của Hoàng Anh, xin vào một hãng bảo hiểm nước ngoài, làm kiểm định hồ sơ sức khỏe của người mua bảo hiểm, khởi điểm là 12 triệu đồng/tháng. Sau hai năm, trong khi Hoàng Anh vẫn ở mức lương cũ, chưa đủ thời hạn nâng lương thì Dũng đã được nâng lương lên 18 triệu đồng/tháng do được đề bạt làm Trưởng nhóm. Sự chênh lệch đối với mức thu nhập của hai khối doanh nghiệp như thế chỉ là một trong nhiều bất cập mà hệ thống lương hiện tại đang cần thiết phải có những thay đổi mang tính đột phá tận gốc mà Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 7 đã đưa ra.

Trước đây, Việt Nam cũng áp dụng chế độ tiền lương với số tiền cụ thể cho từng chức vụ, vị trí. Tuy nhiên, giai đoạn 1980-1990, khi đất nước lâm vào thời kỳ lạm phát rất cao, có năm lên tới hàng chục phần trăm. Việc tính lương “đuổi theo” chỉ số lạm phát hằng năm với từng vị trí, chức vụ là một điều không tưởng. Khi đó, chế độ tiền lương tính theo hệ số ra đời với ưu điểm là dễ tính toán cho dù lạm phát năm đó biến động đến mức nào. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau kéo dài đến nay, nền kinh tế đất nước đi vào ổn định, lạm phát được kiềm chế, việc tính toán lương theo hệ số không còn ưu điểm và ngày càng tỏ rõ những bất cập: Cào bằng, phụ thuộc vào ngạch, bậc, thâm niên công tác, không phụ thuộc vào hiệu quả công việc và khối lượng công việc đang làm trì trệ cả bộ máy công chức. Cách tính lương hiện nay dựa trên thang, ngạch, bậc trở nên rất lạc hậu, không dựa trên thực tế cuộc sống đó là cần phải bù đắp công sức bỏ ra của người lao động, không có khả năng chi trả cho cuộc sống tối thiểu của người lao động; thêm nữa dễ nảy sinh “sự không trong sạch” bởi những người công tác trong khu vực công phải tìm những cách không chính thống để bù đắp vào khoản thu nhập, cũng khiến tham nhũng, tham ô trở thành vấn nạn mà chúng ta đang phải đối mặt...

Hội nghị T.Ư 7 có Nghị quyết về cải cách tiền lương, qua đó có thể xóa bỏ được những bất cập này. Ban Chấp hành T.Ư nêu rõ: Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ T.Ư đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Ngoài ra còn sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành; thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan đơn vị; doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động), trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... và dứt khoát bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...

Được Hội nghị T.Ư 7 thông qua, Đề án cải cách tiền lương sẽ bắt đầu được hoàn thiện và triển khai từ năm 2021 với nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, Đề án đi vào cuộc sống, thay đổi được những bất cập hiện nay thì đó là một chặng đường rất dài nữa với sự vào cuộc của nhiều Bộ, ban, ngành liên quan để thiết kế triển khai hợp tình, hợp lý, làm cơ sở cho kỳ vọng của người lao động mong có một công việc ổn định, thu nhập xứng đáng với công sức mình bỏ ra, môi trường làm việc có thể giúp mình vững tin, thỏa sức cống hiến.

Mai Anh