Động viên người yêu đi lấy vợ
Hồ Thị Hữu tham gia cách mạng từ năm 1965. Bà là thành viên đội nữ du kích đầu tiên của xã Điện Trung, và là một trong những Đội nữ du kích vang danh của đất Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày đầu thành lập, đội nữ du kích xã chỉ có 3 chiến sĩ, do cán bộ tên Di trực tiếp huấn luyện, anh Năm Sìn làm Chính trị viên. Tuổi hồng phơi phới, Hữu cùng các nữ du kích ngày đêm bí mật luyện tập võ thuật, bắn súng, chiến thuật tập kích, tấn công địch. Hữu được tín nhiệm giữ khẩu cạc-bin. Ba Hữu bảo, ngày ấy ai được cấp súng cạc-bin là vinh dự lắm. Cùng với các đồng đội nam, các chiến sĩ nữ đã lập công xuất sắc. Trung đoàn 51 của Mỹ - ngụy tổ chức trận càn lớn qua địa bàn xã. Đội nữ du kích phục kích chặn đánh địch, rồi nhanh chóng rút lẹ xuống hầm bí mật.
Bị lộ, địch bắt cả 3 nữ du kích đưa về đồn Thanh Quýt tra tấn, sau đó chuyển vào nhà tù Non Nước. Chị Hữu là một trong những nữ tù binh đầu tiên của Việt Nam trong chống Mỹ bị bắt giam ở nhà tù Non Nước, sau đó chuyển sang nhà tù Phú Tài (Quy Nhơn). Trở thành nữ chiến sĩ du kích, thôn nữ Hồ Thị Hữu được một người trai làng tên là Bảy, khâm phục ý chí dũng cảm, tinh thần chiến đấu ngoan cường nên đã đem lòng yêu say đắm. "Tui hẹn anh Bảy đến ngày đất nước thống nhất sẽ cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Anh ấy là người tốt và rất thủy chung" - Bà Hữu nhắc lại kỷ niệm của một thời thiếu nữ.
Bị bắt vào tù, Hồ Thị Hữu tiếp tục thể hiện khí phách của người nữ chiến sĩ cộng sản, chị là đội viên xung kích, được tổ chức cách mạng trong tù giao nhiệm vụ bí mật làm giao liên. Chị luôn tỏ rõ bản lĩnh kiên cường, khôn khéo, là chỗ dựa tinh thần của những nữ tù trẻ tuổi. Bà Trần Thu Hồng kể:
- Tui gặp chị Hữu từ năm 1969 vì bị giam chung ở nhà tù Phú Tài. Hồi đó tui là nữ tù trẻ nhất. Chị Hữu như người chị Cả trong nhà, chăm sóc, động viên tui từng li từng tí. Là con gái mới lớn, tui rất khờ khạo, vụng về trong những ngày có kinh nguyệt. Chị Cả phải lấy ống sữa bò chắt từ cái mương nước thải cạnh buồng giam từng lon nước cho tui tắm rửa, tận dụng vải vụn cho tôi làm băng vệ sinh, giặt giữ quần áo cho tui. Khi chị Hiền sinh con trong nhà tù, chị Cả tận tình chăm lo chu đáo từ giặt giũ, lấy áo rách khâu thành tã lót, nghiền thức ăn thay sữa nuôi em bé. Chị Cả rất khéo tay, đảm đang, làm việc gì cũng nhanh, sống rất tốt với mọi người... Tình cảm nhân hậu, vị tha, hết lòng vì mọi người của chị Cả đã lay động lòng nhân ái, trắc ẩn của nhiều lính gác tù. Họ được giác ngộ, giúp đỡ chị em tù rất nhiều…
Năm 1971, Hồ Thị Hữu được kết nạp Đảng ngay trong tù. Phát huy tinh thần trách nhiệm của một nữ đảng viên, chị đứng ra nhận hết những lỗi về mình mỗi khi bọn cai ngục tra khảo tù nhân. Chị làm tấm bia đỡ đòn cho chị em tù. Ngày này qua tháng khác, nét thanh tân của đời con gái dần bị đòn roi kẻ thù vùi dập. Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê cũ, chị Hữu bồi hồi cảm động khi người con trai ngày ấy vẫn giữ nguyên lời ước hẹn, thủy chung đợi chờ chị. "Anh ấy tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Gia đình giục lấy vợ nhưng anh cứ khất lần để chờ ngày tui trở về. Khi biết rõ sự thật tui không thể làm vợ, làm mẹ được nữa, anh ấy vẫn muốn lấy tui nhưng tui không chịu. Tui nghĩ, mình đã vì cách mạng mà hy sinh thì cũng phải biết hy sinh vì tương lai của anh ấy. Tui đã khóc, động viên anh đi lấy người khác" - Bà Hữu hồi tưởng.
Bà Trần Thu Hồng, người bạn tù thân thiết, người được bà Hữu coi như em ruột trong những năm tháng ở tù, ngậm ngùi nói thêm: - Hồi đó, chị Cả bị tra tấn rất dã man. Cứ mỗi lần lôi chị ra đánh đập, bọn cai ngực lại nhằm dùi cui, roi điện, kìm… vào chỗ kín và vùng bụng của chị, với âm mưu triệt hạ giống nòi cộng sản, chúng đã tước mất của chị quyền làm vợ, làm mẹ. Đến bây giờ, di chứng của những trận đòn ngày ấy vẫn làm chị lên cơn co giật khi trái gió trở trời…
Bài và ảnh: TÙNG SƠN