Hành trình của loài chim này được bắt đầu ngay sau vài tuần tuổi. Từ phía Bắc của đảo Greenland, chim bay xuống phía bờ Tây của châu Phi và châu Âu, rồi đi ngang qua cả Nam Đại Dương (xung quanh Châu Nam Cực) với quãng đường gần 18.000km. Và... hơn một năm sau chim bay về đúng trên quãng đường đó.
Nhưng chim Nhàn Bắc Cực cũng chưa phải là duy nhất, còn nhiều loài động vật khác như một số loài cá, rùa, bướm... cũng có khả năng di cư rất kỳ lạ.
Điều làm các nhà khoa học nói riêng, loài người nói chung “đau đầu” chưa hẳn là độ dài của quãng đường vượt qua, mà bằng cách nào chúng có thể biết được đường đi, nhớ được đường quay về.
Có một giả thiết mà các nhà sinh học đưa ra là, các loài động vật di cư đều có sẵn lập trình gen bên trong cơ thể.
Thấy chưa thuyết phục, một nhóm nhà khoa học khác lại giải thích về khả năng định hướng đường đi của các loài động vật di cư, còn có tên gọi là “định hướng mục đích”. Lí thuyết này cho rằng có một “lực hút” từ những đích đến đã kích thích cho động vật biết được đường đi của mình.
Để chứng minh, vào những năm 50 của thế kỷ trước, nhà sinh học Hà Lan Perdeck A.C đã bắt một một số loại chim đang di cư dùng máy bay chở lệch đi một hướng khác. Thả ra, nó vẫn tìm được đường bay quen thuộc để đến đích.
Một tình cờ khác cũng có thể coi là thí nghiệm: Năm 1865 các nhà khoa học đang đưa một con rùa từ đảo Ascension đến nước Anh để nghiên cứu. Vừa đến đường ranh nước Anh, thấy con rùa bị yếu họ thả nó về biển. Và thật kỳ lạ, hai năm sau con rùa đó lại đã về được đảo Ascension.
Nhà khoa học David Attenborough trong sách “Sự sống trên hành tinh xanh” đành phải nói rằng “Dường như không có một câu trả lời rõ ràng nào cả. Các loài động vật sử dụng rất nhiều cách thức để thực hiện những chuyến di cư. Có một cách thức chúng ta có thể bắt đầu hiểu ra, một số khác lại là bí ẩn; và lại có một số biện pháp dựa vào những khả năng của động vật nhưng chúng ta cũng chưa mường tượng được”.
Còn chuyên gia sinh học Rupert Sheldrake thì cho rằng hiện tượng này có thể giải thích theo lí thuyết “cộng hưởng tiềm thức”: Các loài động vật di cư luôn được gắn kết với những khu vực gốc gác của mình bởi một số bộ phận nào đó trong cơ thể của động vật. Có nghĩa rằng một con chim non bay khỏi nước Anh tới châu Phi, nó sẽ “lôi ra trong ngăn kéo” một kí ức tập hợp của tổ tiên mình để định hướng. Kí ức đó có sẵn trong các “trường tiềm thức” về vị trí, định hướng, khu vực, điều kiện sống...
Khi nghiên cứu về sự kì diệu của tự nhiên (bao gồm cả con người) càng làm cho chúng ta thấy rằng chu trình tự nhiên vượt xa khỏi ranh giới của những định luật công thức máy móc của khoa học.
Đó là những bí ẩn của tự nhiên, hiện tượng kì lạ mà chưa thể giải thích một cách vẹn toàn.
Nguyễn Đức Vượng