Dòng tên anh khắc vào đá núi, khắc vào thơ
Tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ T.Ư Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, lấy tên là Chiến dịch Lê Hồng Phong II. Tỉnh Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính của Chiến dịch.
Ngày 8-9-1950, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh đánh cứ điểm Đông Khê. Cụm cứ điểm Đông Khê được phân bố tại thị trấn Đông Khê, nằm trên trục quốc lộ số 4A, cách pháo đài thị xã Cao Bằng (nay là thành phố) về phía đông khoảng 40km và cách Thất Khê khoảng 20km. Trải qua 54 giờ chiến đấu, trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới giành thắng lợi to lớn, tiêu diệt hơn 120 lính Pháp, bắt hơn 200 tên, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy và tịch thu một số vũ khí và quân trang quân dụng.
…Đã có rất nhiều tác phẩm thơ viết về tình đồng chí, tình bạn chiến đấu “huynh đệ chi binh” vượt được thời gian, đi được cùng năm tháng. Nhưng còn có rất nhiều, rất nhiều bài thơ của người lính còn nằm trong sổ tay, trong những cánh thư gửi từ tiền tuyến về cho người thân ở hậu phương, trên báo tường, báo liếp ở các đơn vị mà cho đến nay chúng ta còn chưa sưu tầm được. Đó có thể nói là những hạt bụi vàng còn đang vương vãi suốt dọc những chặng đường hành quân chiến đấu của bộ đội. Những hạt bụi đó, nếu tính gom lại, chúng ta sẽ có được “một bông vàng”... thơ để đời.
Trong triệu triệu “hạt bụi” ấy đã được thi sĩ Xuân Diệu tìm ra khi ông đi cùng bộ đội, sống cùng bộ đội, tìm hiểu và nghiên cứu về “Những bài thơ viết về bộ đội 1944-1974” và về “Ca dao kháng chiến của bộ đội”. Trong số này có bài thơ mà Xuân Diệu gọi là “một bài thơ dân gian mới” liên quan đến trận đánh Đông Khê. Bài thơ không có tên, toàn văn như sau:
Liên, Khình
Trên Phia Khinh
Hay chăng có nhớ chút tình chúng tao?
Cùng cầm súng, cùng cầm dao
Cùng ăn cơm nắm, cùng vào đồn Tây;
Sao hôm nay vắng mặt chúng mày
Để súng ai vác, để dây ai chuyền
Chúng tao lắm lúc cũng quên
Nhưng khi nhớ đến lại thương Liên, Khình
Chúng tao đã biểu đồng tình
Phia Khinh không gọi
“Liên Khình” đặt tên.
Thật giản dị, mộc mạc! Nặng nghĩa, sâu tình xiết bao là tình đồng đội, tình bạn chiến đấu của những người lính chiến với nhau. Liên, Khình/ Trên Phia Khinh. Bài thơ mở đầu băng hai câu, năm chữ ngắn gọn thế thôi nhưng là để nhắc nhau nhớ về một ngọn núi, núi Phia Khinh, nhớ về một trận đánh - trận Đông Khê trong chiến dịch Biên giới (1950) và những người bạn pháo binh đã hy sinh trong trận đánh ấy - hai đồng chí Liên và Khình mà “nhà thơ - chiến sĩ” chỉ nhớ tên không kịp nhớ họ!
Tên ngọn núi, tên những người lính, người đồng đội không chỉ ở “trên” đầu bài thơ mà ở “trên cao”. Hai anh Liên và Khình đã hy sinh, đã về với núi với trời, xa lắm. Nhưng với những người lính, họ vẫn mãi là những người của một thở “mày tao”, lính tráng: Hay chăng có nhớ chút tình chúng tao.../ Sao hôm nay vắng mặt chúng mày... Và thật chân thành giản dị: Chúng tao lắm lúc cũng quên. Quên do công việc, vì những cuộc hành quân đuổi giặc liên miên trong cuộc trường kỳ kháng chiến chín năm, nhưng cái “quên” đó chỉ là “đôi lúc”, chứ làm sao quên được những ngày tháng gian khổ, hy sinh: Cùng ăn cơm nắm, cùng vào đồn Tây. Cùng cầm súng, cầm dao sống mái với quân thù. Đôi lúc “quên” vậy, nhưng “nhớ” đến lại thương lắm, thương các bạn “nông dân áo lính”, trẻ trung vừa ra đi “từ những mái tranh nghèo”, nay nằm lại trên đỉnh núi kia mãi mãi không về!
Thương nhớ không nguôi những người bạn đã hy sinh thương nhớ Liên, thương nhớ Khình lắm. Những người bạn còn sống, còn đang hành quân chiến đấu vất vả đã có lúc hỏi trời. Hỏi đất, hỏi cây, khóc hỏi ông Trời: Sao hôm nay vắng mặt chúng mày/ Để súng ai vác, để dây ai chuyền?. Hỏi vậy là để nhới tới đồng đội đã hy sinh và hứa với họ xiết chặt hàng ngũ tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Ngày chiến thắng ấy sẽ không có Liên, không có Khình, thế thì họ cùng nhau đặt tên hai người cho ngọn núi:
Chúng ta đã biểu đồng tình
Phia Khinh không gọi
“Liên Khình” đặt tên.
Để các liệt sĩ sống mãi cùng quê hương đất nước, núi Phia Khinh giờ với họ đã là núi Liên Khình! Một cách tạc tượng, dựng bia cũng rất là bộ đội, rất là lính, nhưng cũng sâu nặng và ý nghĩa biết bao! Bài thơ chỉ là những hạt bụi, hai người lính pháo hy sinh trong trận đánh Đông Khê năm nào, nhưng là những “bụi vàng” góp phần tạc dựng nên hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; đồng thời làm nên những trang sử vàng của dân tộc, đặt móng nền cho những trang văn sáng đẹp nhất của văn hoá, văn chương Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.
Bài báo trên của tôi được in báo Quân đội Nhân dân ngày 12-10-2014, thì ngày 2-11 năm ấy, cũng trên báo này, ông Nguyễn Quốc Thịnh - CCB Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) có bài “Đồng đội đặt tên núi Liên Khình”. Bài báo cho biết cụ thể thêm: Sau khi quyết định không tiến công thị xã Cao Bằng, chuyển sang đánh Đông Khê, cắt đứt đường số 4, tạo điều kiện để ta đánh viện, diệt sinh lực địch tiến tới giải phóng Cao Bằng, đường số 4, Đại đội pháo của Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) do Đại đội trưởng Nguyễn Viết Nhâm chỉ huy, được cử sang tăng cường cho đơn vị bạn đánh cứ điểm Đông Khê. Đại đội pháo bố trí trên núi Phia Khinh, bắc đông bắc cứ điểm, nhằm bắn trực tiếp vào đồn địch.
6 giờ ngày 16-9-1950, trận đánh mở màn. Các khẩu pháo đồng loạt nổ súng, xung kích xông lên đánh bộc phá, mở cửa, tiến vào tung thâm. Bị pháo ta uy hiếp, địch không dám ra phản kích, chỉ gọi pháo và máy bay yểm trợ.
Sáu chiếc máy bay Hencát lồng lộn, tập trung bắn phá trận địa pháo ta. Được pháo binh yểm trợ, 9 giờ 30 phút, quân ta xung kích chiếm yên ngựa, 10 giờ 30 phút chiếm Phia Khoa, 21 giờ chiếm Pò Đỉnh và đến 4 giờ 30 phút ngày 17-9, ta tiếp tục tấn công. Các khẩu pháo ngắm bắn trực tiếp vào đồn địch. Hỏa lực trong cứ điểm, pháo và máy bay tập trung bắn phá trận địa pháo của ta. Trong lửa đạn quân thù, chiến sĩ Liên và chiến sĩ Khình anh dũng hy sinh. 4 giờ 30 phút ngày 18-9, ta chiếm được sở chỉ huy địch, bắt sống tên đại úy Anliucs - chỉ huy đồn và đến 10 giờ, ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đông Khê.
Sau trận đánh, để tỏ lòng thương nhớ đồng đội, cán bộ, chiến sĩ Đại đội pháo đề nghị đổi tên núi Phia Khinh, nơi đại đội bố trí đặt pháo và cũng là nơi hai đồng chí Liên và Khình hy sinh thành núi Liên Khình !
Thật thú vị, từ một chiến thắng những người lính đã vào thơ và trở lại từ thơ, người CCB lại có dịp nói rõ, nói thêm về một chiến thắng !
Thập Tam trại, mùa thu năm 2020
Ngô Vĩnh Bình