“Dòng suối mát” của Lệ Trinh (22/03/2012)
Nguyên là con cháu đồng bào các dân tộc miền Nam được ra Bắc học tập rồi trở thành cán bộ Nhà nước, cụ Phạm Đức Trinh được về quê nghỉ hưu vào những năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ trước) khi đã ngoài 60 tuổi. Thời kỳ này, thôn Lệ Trinh nghèo xơ xác, bà con chỉ có hai cách là phát rừng làm rẫy và chờ trợ cấp cứu đói của nhà nước. Cụ Trinh nghĩ, phải bày cách cho mọi người làm ăn theo kiểu mới thôi. Cụ sắm sửa nông cụ, tự mình san nền, đắp đập be bờ, bắt trâu cày ruộng cấy lúa nước. Những gò bãi, đồi núi thì trồng những cây ăn quả như dứa, sắn, chuối… Thấy cụ đã già mà chăm chỉ làm ăn, có thu nhập khá, dân làng làm theo, không chỉ no cái bụng mà nhiều nhà còn có bát ăn, bát để. Làng Lệ Trinh trở thành điểm sáng về kinh tế của cả huyện. Đến mùa thu hoạch, già trẻ lũ lượt gùi dứa, chuối, nông sản xuống chợ huyện bán cho người dưới xuôi. Nhiều người được đi báo cáo điển hình làm kinh tế giỏi, nhưng ai cũng chung một điều: Nhờ có cụ Trinh chỉ bảo mà nhà tôi mới được như ngày nay.
Người H’rê làng Lệ Trinh có tệ cầm đồ thuốc độc rất nguy hiểm, rồi những bọn truyền đạo trái phép từ nơi khác đến ở nhờ, thăm thân để hành đạo, cụ Trinh vận động bà con từ bỏ, không nghe lời nói xấu, không làm việc xấu. Những mâu thuẫn như tranh chấp đất đai, bất hòa trong gia đình, chỉ cần một hũ rượu, cụ gọi dân làng đến uống rồi nói chuyện, phân giải điều hay, lẽ phải, ai cũng ưng cái bụng. Nay thôn Lệ Trinh và cả xã Ba Chùa đã cơ bản thoát nghèo, không có người theo đạo trái phép, xóm làng hòa thuận, yên vui từ “dòng suối mát” là cụ Phạm Đức Trinh.
Nguyễn Đăng