Đồng hành cùng chiến sĩ Trường Sa (15/06/2012)
Ngày đêm, gió hiu hiu thổi. Mặt biển hiền hòa. Sóng nước xanh thẫm, nối nhau xao động. Thời điểm này, ở cảng Cam Ranh, Khánh Hòa và cảng Cái Lái, TP Hồ Chí Minh, không khí nhộn nhịp, sôi động lạ thường. Năm bảy chiếc tàu mỗi chiếc có trọng tải hàng nghìn tấn của Quân chủng Hải quân nối tiếp nhau, chở nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài, gồm đủ mọi thành phần, tầng lớp, lứa tuổi ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Từ nhiều năm nay Nhà nước ta đã nhận được hàng nghìn thư tín của kiều bào đang làm ăn, sinh sống ở các nước trên thế giới và những chức sắc tôn giáo trong nước bày tỏ nguyện vọng được ra thăm huyện đảo Trường Sa. Trong số đó, có một số kiều bào và chức sắc tôn giáo đã 80-90 tuổi. Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, tàu HQ-571 đã kéo hồi còi dài chào tạm biệt cảng, chở đoàn đại biểu kiều bào từ gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, đại diện cho hơn bốn triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, cùng các chức sắc tôn giáo lớn trong nước ra thăm bộ đội, nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Giao lưu với quân dân huyện đảo, ông Nguyễn Phương Hùng, Việt kiều ở Mỹ xúc động nói: “Tôi rất mừng là thấy đời sống của quân và dân nơi đây được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng, đổi mới, thanh bình, chẳng khác gì trong đất liền. Là người Việt Nam, dù đi bất cứ đâu, ngụ cư sinh sống ở nơi nào, chúng tôi cũng chỉ có một Tổ quốc, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa. Vùng biển đảo thiêng liêng này, ông cha đã tốn bao mồ hôi, xương máu để lại cho đời sau. Bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải kiên quyết giữ gìn, bảo vệ. Chúng tôi xin cám ơn quân, dân huyện đảo Trường Sa đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm canh giữ chủ quyền - ông Phương Hùng ngừng lại, khóc thành tiếng, nói tiếp – Một người bạn hỏi tôi, sao sau 36 năm, nay anh mới trở về? Anh có hối hận không? Thưa, tôi rất hối hận vì ngần ấy năm, tôi mới trở về Tổ quốc của tôi!...”.
Đoàn công tác được dự lễ chào cờ Tổ quốc ở đảo Trường Sa Lớn. Lá cờ đỏ sao vàng cắm trên cột mốc chủ quyền, tung bay giữa nền trời xanh lộng gió. Khi bài quốc ca hùng tráng vang lên, nhiều người không cầm được nước mắt. Ông Huỳnh Trí Chánh, kiều bào về từ Nhật Bản bùi ngùi: “Năm nay tôi đã 72 tuổi rồi; từng dự nhiều lễ chào cờ Tổ quốc. Nhưng không nơi nào làm tôi xúc động như hôm nay; nhất là khi mọi người đồng thanh hát “Đoàn quân Việt Nam đi. Chung lòng cứu quốc…”. Tôi càng xúc động hơn, khi dưới lá cờ Tổ quốc, một chiến sĩ hải quân bước lên, đứng nghiêm, trang trọng đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam…”.
Là ca sĩ hải ngoại trong chuyến đi, tới đâu, bất cứ lúc nào, bà Lệ Hằng (Việt kiều Mỹ) cũng đều hát “hết công suất” để phục vụ quân dân Trường Sa. Ca sĩ nói trong nước mắt: “Tôi muốn mang tiếng hát để vinh danh, nâng đỡ tinh thần các chiến sĩ. Được ra thăm đảo và đứng hát trên mảnh đất thiêng, xung quanh là biển trời Tổ quốc, tôi rất xúc động và tự hào…”.
Ra thăm Trường Sa lần này, bà con Việt kiều đã ủng hộ huyện đảo chiếc xuồng máy C.Q có công suất cao, cùng tiền và vật phẩm, trị giá một tỷ rưỡi. Đó là tấm lòng, là tình cảm sâu sắc của hàng triệu kiều bào ta hướng về quê hương đất nước.
Với các chức sắc tôn giáo lớn ở Việt Nam như: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo, Tin lành, đạo Hồi… trong chuyến đi này, đã đại diện các tín đồ, tăng ni, phật tử, chuyển tải tình cảm thương mến, kính trọng tới quân dân huyện đảo Trường Sa. Linh mục Trần Hữu Hạnh cho biết: Qua chuyến thăm, đã gắn bó tình cảm giữa các tôn giáo với bộ đội, nhân dân ở đây. Bà con công giáo tự hào, xúc động trước công lao to lớn của cha ông ta, không quản gian lao, vất vả, hiểm nguy, tới vùng biển, đảo này, sớm khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Ngày nay, quân dân ta, bằng mọi giá, phải bảo vệ trọn vẹn mảnh đất thiêng. Mọi người đều biết, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa từng đổ máu trong cuộc chiến đấu không cân sức với lực lượng nước ngoài để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Các anh không đơn lẻ. Giờ đây, nhân dân ta, các tôn giáo và kiều bào ta ở nước ngoài luôn luôn ở bên cạnh, tiếp sức cho quân dân huyện đảo sống đàng hoàng, hạnh phúc và sẵn sàng chiến đấu cao…
Một hoạt động gây ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến đi là tổ chức Lễ tưởng niệm, dâng hương các anh hùng, liệt sĩ và nhân dân đã hi sinh trong khi bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các chức sắc tôn giáo còn tổ chức Lễ cầu siêu tại chùa Trường Sa và chùa Song Tử Tây. Giữa biển Đông mênh mông, điệp trùng sóng vỗ, các chức sắc tôn giáo long trọng, kính cẩn thực hiện đúng nghi lễ của tôn giáo mình, cầu nguyện cho hương hồn các liệt sĩ được siêu thoát; cầu nguyện cho quốc thái, dân an, thế giới hòa bình…
Ra Trường Sa, đoàn Phật giáo Việt Nam mang theo một số cây quý như: cây đại, cây bồ đề, cây sala và đặc biệt có cả cát sông Hằng, muối mỏ dưới chân dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, nơi đất phật Ấn Độ. Thượng toạ Thích Thiện Huân cho biết: Trước khi đi thăm quần đảo, đoàn cử người sang Ấn Độ thỉnh cát sông Hằng, muối mỏ, hạt bồ đề và cây sala mang về ươm. Để mang cây ra trồng trên đảo, các phật tử chuẩn bị rất kỹ; lấy ít đất ở Hà Nội mang vào TP Hồ Chí Minh; lấy nước ở sông Sài Gòn tưới lên cây và đem theo. Đất ở quê hương đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của cha ông, gửi ra đảo, thể hiện sự gắn kết giữa quần đảo với đất liền, như một cơ thể không tách rời.
Song một việc đặc biệt nữa thật bất ngờ và xúc động khi mọi người được thấy, Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, 87 tuổi, lên tàu ra Trường Sa. Đại lão Hòa thượng vui vẻ nói với các thành viên trong đoàn: “Tôi rất phấn khởi khi được đi chuyến này. Đây chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cá nhân tôi và đối với các tăng ni phật tử cùng đi; thể hiện rõ chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam; sự quan tâm cụ thể tới Phật giáo. Tôi mong muốn sẽ cùng các tăng ni, đưa được những tư tưởng của đạo Phật đến quần đảo Trường Sa của Tổ quốc”.
Nối tiếp đoàn đại biểu kiều bào ở nước ngoài và Đoàn các chức sắc tôn giáo trong nước, là đoàn Đảng uỷ khối các cơ quan T.Ư Hội và đại biểu hơn 30 cơ quan bộ, ngành, cùng đại biểu chính quyền, nhân dân TP Đà Nẵng, ra thăm, tặng quà quân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Ở 14 điểm đảo, sau khi nghe đồng chí phụ trách trao đổi chung về tình hình đơn vị, các thành viên trong đoàn đã xuống gặp gỡ, trò chuyện thân tình với những cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở; chia sẻ với các anh mọi vất vả, khó khăn của cuộc sống đời thường, ngoài đảo cũng như trong đất liền.
Thượng uý Nguyễn Thanh Tài, cụm 1, đảo Trường Sa Lớn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn: vợ ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng; con còn nhỏ, không nhà ở và chưa có việc làm. Đồng chí Võ Duy Khương, Trưởng đoàn Đà Nẵng, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP hứa sẽ bố trí việc làm cho vợ anh và cấp cho gia đình một căn hộ miễn phí, không phải trả tiền thuê nhà hàng tháng. Một số thành viên trong đoàn thăm đảo chìm Đá Lát; cuộc sống của bộ đội nơi đây tuy được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn thiếu nước ngọt và khan hiếm rau xanh. Thường thì mỗi chiến sĩ phải dăm hôm mới được tắm một lần. Mấy lít nước ngọt tráng người, hứng lại để giặt quần áo hoặc tưới rau trồng trong khay gỗ. Các chiến sĩ muốn có máy lọc nước biển thành nước ngọt, đồng thời có kinh phí xây thêm bể chứa nước mưa và làm chuồng trại nuôi gia cầm.
Cảm thông với đồng đội, Đại tá Nguyễn Min, thành viên trong đoàn đại biểu, Phó chỉ huy trưởng Thành đội Đà Nẵng, dùng tiền cá nhân ủng hộ đơn vị năm triệu đồng, góp vào việc chi tiêu chung. Ở các đảo chìm Tốc Tan, Thuyền Chài và đảo nổi cấp 3 Trường Sa Đông, Nhà giàn DK1/14 đều có những cán bộ, chiến sĩ, gia đình đang gặp khó khăn như: vợ ốm, con đau, bố mẹ già yếu, nhà nghèo, đông anh em, chưa có việc làm… Đó là trung uý Nguyễn Ngọc Toàn, Trần Hữu Mạnh; thiếu uý Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Văn Tuấn và chiến sĩ Nguyễn Văn Sơn… Song các thành viên trong đoàn xúc động cảm thương nhất đối với hoàn cảnh của thượng úy Phạm Quốc Phương, đang công tác ở điểm C, đảo chìm Tốc Tan. Anh quê xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, Ninh Bình; vợ là chị Nguyễn Thị Thảo. Hai vợ chồng phấn đấu mãi mới sinh được cháu trai Phạm Anh Tuấn, rất kháu khỉnh. Mới ba tuổi rưỡi, cháu đã bi bô gọi điện thoại và hát cho bố ngoài đảo nghe. Để gần chồng, mẹ con chị bồng bế nhau vào Cam Ranh thuê nhà ở tạm và tìm kiếm việc làm. Chuyện chưa xong thì cháu Tuấn bị trọng bệnh: Ung thư máu. Gia đình nghèo, phải ngược xuôi vay mượn tiền bạc, đi các bệnh viện chạy chữa cho Tuấn. Phương chỉ nuốt nước mắt động viên vợ cố gắng cứu con nhưng không được. Cháu Phạm Anh Tuấn đã bỏ cha mẹ mà đi ngay trong đầu tháng 4-2012.
Phương đau khổ đến tột cùng, nhiều đêm thức trắng ra mép đảo hướng về đất liền. Để không ảnh hưởng tới đơn vị, ban ngày, anh vẫn cùng đồng đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên giao. Được nghe chuyện, được gặp Phương các thành viên trong đoàn đều xúc động, không cầm được nước mắt, ôm lấy anh; cảm phục ý chí và nghị lực của người chiến sĩ Trường Sa. Nhiều cơ quan và cá nhân tham gia đoàn công tác quyên góp nhanh, ủng hộ và chia sẻ nỗi đau quá lớn với Phương và gia đình anh.
Đoàn tiếp tục đến thăm đảo nổi cấp 3 Phan Vinh – đảo mang tên liệt sĩ Anh hùng Phan Vinh, đã oanh liệt hi sinh trong “Đoàn tàu không số” những năm chống Mỹ, cứu nước. Tại đây, nhà thơ người dân tộc Mường, Bùi Thị Tuyết Mai thành viên của đoàn đã mang tình cảm và quà tặng của cả gia đình đến với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Bởi lẽ, em rể chị là bác sĩ quân y Trần Bảo Tiến, từng công tác ở Phan Vinh, nay đã chuyển về Viện 5, QK3. Nhà thơ đại diện cho vợ, chồng và con Tiến là cháu Trần Thị Châu Anh cùng ông, bà nhạc là Bùi Thị Lan, Bùi Thiện Thái, thăm hỏi các chiến sĩ. Từ xóm Lòng, tỉnh Hòa Bình, mẹ Lan chắt chiu tiền tiết kiệm, gửi tặng đảo 5 triệu đồng và nhắn rằng: Tất cả cán bộ, chiến sĩ ở đây như Bảo Tiến, đều là các con yêu quý của mẹ. Mẹ luôn ở bên các con.
Tâm nguyện của bà mẹ dân tộc Mường - Bùi Thị Lan cũng là tâm nguyện của bà con Việt kiều và các chức sắc tôn giáo yêu nước, luôn ở bên các anh, đồng hành cùng chiến sĩ Trường Sa.
CHI PHAN