ĐỘNG CƠ NÀO KHIẾN UBND PHƯỜNG ĐIỆN BIÊN QUYẾT TÂM XOÁ SỔ MỘT BỨC TƯỜNG ? (09/04/2012)

Tòa soạn Báo Cựu chiến binh nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Nhạn ở biệt thự 67 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Trong đơn bà Nhạn trình bày:

Năm 1981, chồng bà là ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải được tiếp quản toàn bộ tầng 1 của ngôi biệt thự ở số 67 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội (vốn là phần diện tích Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên ở trước đó). Gia đình bà sinh sống ổn định, sử dụng nguyên trạng phần diện tích được giao và* *chưa từng làm thay đổi bất kỳ hạng mục nào của ngôi biệt thự.

Tháng 9/2011, ông Hàn Đức Việt đến mua gom nhà đã thuê côn đồ đập phá nhiều hạng mục của ngôi biệt thự, trong đó có bức tường nguyên thuỷ, phân cách lối đi chung với phần diện tích gia đình bà được giao quản lý sử dụng từ năm 1981; đe dọa, khủng bố tinh thần gia đình bà. Mặc dù bà đã làm rất nhiều đơn kèm theo ảnh chụp những tên côn đồ lúc đang đập phá gửi UBND và Công an Phường Điện Biên nhưng tất cả đều im lặng. Việc phải thức đêm trong thời gian dài để canh bức tường khiến mắt bà Nhạn bị mờ không còn nhìn được và ngày 14/3/2012 bà đã phải đi bệnh viện mổ mắt. Bất bình tột độ trước cách hành xử của chính quyền sở tại, dung túng cho con buôn, cậy có nhiều tiền ức hiếp gia đình bà, cháu bà là thương binh sọ não vô cùng bức xúc đã đưa bà đến UBND Phường xin gặp Chủ tịch nhưng ông không tiếp (không phải thuê thương binh đến uy hiếp Phường” như lời ông Chủ tịch). Biết không thể trông chờ gì ở chính quyền cơ sở, ngày 21/3/2012, cháu bà đã khôi phục lại nguyên trạng bức tường** *ngay trên phần tường còn lại (không phải xây mới công trình xây dựng có chủ đầu tư *như lời của ông Chủ tịch Phường nói dối cấp trên).

Trong suốt 7 tháng bị uy hiếp, đe dọa, tất cả các lá đơn kêu cứu của bà Nhạn đều bị chìm trong im lặng, bức tường cổ cứ tiếp tục bị phá. Rất nhiều lần Cảnh sát 113 can thiệp, tuyệt nhiên không thấy ông Chủ tịch Phường xử lý hay báo cáo lên Quận Ba Đình để xử lý kẻ vi phạm, buộc phải khôi phục nguyên trạng (kể cả sau khi sự việc được nêu tường tận trên Báo Hà Nội mới ngày 10/02/2012). Ấy vậy, khi bà phải tự khắc phục hậu quả thì ngay trong ngày 21/3/2012, ông Chủ tịch Phường đã kịp ráo riết ban hành hàng loạt văn bản bảo hộ tội phạm một cách trắng trợn (theo tính toán thời gian, các văn bản này đều được thảo ra vào đêm 21/3/2012, vội quá nên rất nhiều sai sót) và gấp gáp báo cáo sai sự thật lên Lãnh đạo Quận Ba Đình. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ cấp trên, chắc chắn ông Chủ tịch Phường đã vội vàng huy động lực lượng phá dỡ ngay bức tường như tinh thần của các văn bản ông cấp tập ban hành.

Phẫn uất bởi sự chà đạp thô bạo của ông Chủ tịch Phường lên một gia đình có công với cách mạng, bà Nhạn đã làm đơn gửi lên các cơ quan, ban ngành của Trung ương và Thành phố, tố cáo ông Chủ tịch Phường Điện Biên Trần Mạnh Quân.

Bà Nhạn không hiểu vì sao, trong các đơn thư, bà chưa bao giờ đề cập đến những vấn đề không thuộc thẩm quyền của ông Chủ tịch Phường (liên quan đến sổ đỏ) nhưng lạ kỳ thay, ông Chủ tịch lại một mực chỉ ***đòi giải quyết những vấn đề ngoài tầm kiểm soát đó. Trong khi bà Nhạn khẩn cầu ông ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trộm cướp tài sản và tính mạng của người dân trên địa bàn ông quản lý, thì ông lại im lặng để cho những hành vi đó diễn ra liên tục trong thời gian dài. ***

Khi buộc phải trả lời các cơ quan ngôn luận, ông Chủ tịch Phường giải thích, vì gia đình bà Nhạn không giữ được kẻ phá tường để làm chứng cứ nên Phường không có cơ sở giải quyết; đôi khi ông lại lý giải, do trong sổ đỏ phần ông Việt mua (tầng 2) không thể hiện bức tường (tầng 1) nên ông Việt mới phá (?).

Bà Nhạn cho rằng, lối hành xử của ông Chủ tịch chẳng khác nào bảo kê cho “xã hội đen” nếu không phải chính ông Chủ tịch Phường Điện Biên thuộc đường dây mua gom biệt thự giá rẻ của Quận Ba Đình theo như dư luận đang hiểu.

Vẻ mặt khắc khổ, bà Nhạn buồn rầu nói với phóng viên: Chồng tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, phần diện tích gia đình tôi được hưởng là đãi ngộ của Đảng và Nhà nước** *đối với những công lao đóng góp của chồng tôi cho đất nước(ông đã có nhiều năm phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Tất cả con cháu tôi đều là cán bộ, đảng viên, viên chức Nhà nước, vốn rất tin tưởng vào sự nghiêm minh của *luật pháp, nhưng với cách hành xử của chính quyền Phường Điện Biên, người dân thật sự không biết tin vào đâu nữa.

Qua nghiên cứu các văn bản để lại cũng như tìm hiểu thực tế của phóng viên, sau giải phóng Thủ đô, biệt thự 67 Nguyễn Thái Học thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Năm 1962, toàn bộ tầng 1 ngôi chính được Bộ GTVT phân cho ông Dương Bạch Liên (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT); toàn bộ tầng 2 phân cho ông Hồng Xích Tâm (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT); ngôi phụ ở phía sân trong, phân cho ông Nguyễn Ngọc Thanh (nguyên cán bộ Thanh tra Bộ GTVT). Năm 1981, Bộ trưởng Dương Bạch Liên chuyển đi nơi khác, Bộ GTVT phân cho Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải (chồng bà Nhạn) đến ở và sử dụng nguyên trạng tầng 1 ngôi chính với toàn bộ diện tích khuôn viên như Bộ trưởng Dương Bạch Liên đã sử dụng. Năm 1987, ngôi biệt thự được bàn giao cho Xí nghiệp Kinh doanh nhà Ba Đình quản lý, Bộ Giao thông Vận tải đã bàn giao nguyên trạng, hiện trạng sử dụng của từng hộ trong cả số nhà.

Hiện nay, các hộ đều đã được cấp sổ đỏ theo Nghị định 61/CP nhưng không biết căn cứ vào đâu mà khuôn viên do bà Nhạn được quản lý và sử dụng ổn định từ năm 1981 lại ghi là “sân chung” khi trên thực tế chỉ có một lối duy nhất để vào khuôn viên này, do gia đình bà Nhạn sử dụng riêng trên đó chính quyền cơ sở đã treo biển 67A (lối riêng lên tầng 2 treo biển 67B, ngôi phụ treo biển 67C). Tuy nhiên, với dòng ghi chú: **Sơ đồ thửa đất sẽ được hiệu chỉnh khi có bản đồ địa chính chính quy **thì số liệu trên sổ đỏ hiện nay chưa thể được coi là căn cứ pháp lý.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, nỗi bức xúc của bà Nhạn hoàn toàn có cơ sở. Bất kỳ người dân nào, nếu không nhất trí với quyết định của Nhà nước, đều phải theo trình tự pháp luật làm đơn khiếu nại lên cấp có thẩm quyền để được giải quyết. Ông Hàn Đức Việt vừa đến mua nhà, dựa vào chữ “sân chung” đã thuê côn đồ đập phá, đe dọa, huỷ hoại tài sản công dân rõ ràng là phạm pháp.** **Lý do nào khiến ông Chủ tịch Phường thay vì phải ngăn chặn xử lý kẻ phá hoại và buộc phải trả lại nguyên trạng bức tường, lại thô bạo xử lý bên bị hại là gia đình bà Nhạn ? Sự việc bức tường do gia đình bà xây lại có thể coi như sự phản kháng của người dân khi mất hoàn toàn lòng tin đối với Chủ tịch UBND phường, đến nỗi phải tìm mọi cách tự bảo vệ.

Hơn 30 năm qua gia đình bà Nhạn sử dụng ổn định phần diện tích được giao, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Nhà nước nên biệt thự 67 Nguyễn Thái Học vẫn đang được gìn giữ nguyên vẹn.* Vậy thì,*** **động cơ nào khiến ông Chủ tịch Phường Điện Biên phải tìm mọi cách để nhanh chóng xoá sổ một bức tường lịch sử, đã tồn tại hơn nửa thế kỷ trong khuôn viên của một ngôi biệt thự thuộc diện phải bảo tồn ? Báo CCBVN phản ánh sự việc trên đề nghị các cấp có thẩm quyền của quận Ba Đình và thành phố Hà Nội xem xét, xử lý nghiêm hành vi bảo kê cho tội phạm của ông Trần Mạnh Quân, Chủ tịch UBND phường Điện Biên. Ban Công tác bạn đọc Báo CCBVN