Gần đây, công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyến biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước và khắc phục, hạn chế ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tình hình TTATGT được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm liên tục cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với giai đoạn trước trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (ô tô tăng 9,4% /năm và xe mô tô tăng 7,14%/năm). Đặc biệt năm 2014 là năm đầu tiên trong vòng 14 năm trở lại đây số người thiệt mạng do TNGT giảm xuống dưới 9.000 người. So sánh giữa năm 2011 (đầu nhiệm kỳ) với năm 2015 (năm cuối nhiệm kỳ) thì số vụ TNGT giảm 22.144 vụ, tương đương giảm 49,7%; số người chết do TNGT giảm 2.724 người, tương đương giảm 23,9%; số người bị thương giảm 28.178 người, tương đương giảm 57,8%.
Nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành luật lệ, hạn chế, kéo giảm TNGT, nội dung tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông đều được đưa vào các chương trình phối hợp giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội như: Hội CCB Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... Hằng quý, Ủy ban tổ chức phát động các chiến dịch tuyên truyền theo từng chuyên đề như: chuyên đề về tốc độ, về tác hại của bia rượu, về đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng… Đồng thời, nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức đồng loạt với quy mô cả nước tạo được dấu ấn và sự quan tâm của xã hội đến công tác bảo đảm TTATGT như: Lễ tưởng niệm, Lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong vì TNGT; trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em… Ngoài ra, các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, nội dung giáo dục pháp luật về TTATGT trong nhà trường đã có nhiều đổi mới, được xây dựng và triển khai góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.
Từ năm 2014 đến nay, xác định gốc của TNGT là hoạt động vận tải, Ủy ban ATGT Quốc gia tham mưu cho Chính phủ lấy chủ đề Năm an toàn giao thông là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng chở đúng tải trọng phương tiện; xử lý xe cải tạo trái phép kích thước thùng chở hàng; tổ chức cho các doanh nghiệp đầu nguồn hàng ký cam kết không xếp hàng lên xe quá tải trọng; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về tải trọng phương tiện tại 83 đầu mối bốc xếp hàng hóa trọng điểm… Các biện pháp hiệu quả, thiết thực đã tạo được sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân đối với chủ trương tương cường kiểm soát tải trọng phương tiện, qua đó góp phần hạn chế được tình trạng xe quá tải trọng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Năm An toàn giao thông 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thi hành công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phấn đấu giảm từ 5 đến 10% số vụ, số người chết, số người bị thương TNGT hằng năm; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Bên cạnh đó, để bảo đảm TTATGT thì việc kiên quyết xử lý vi phạm là hết sức cần thiết; vấn đề quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết, lâu dài nhưng vấn đề giáo dục, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân là biện pháp quan trọng, thường xuyên, lâu dài, mang tính quyết định.
KVH