Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng
Hạn hán, mặn xâm nhập đang khiến hàng triệu người dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê, các tỉnh đã có 339.234ha (chiếm 21,9%) diện tích lúa Đông xuân 2015-2016 bị thiệt hại, trong đó có hơn 100.000ha bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thể giảm năng suất từ 30-70%. Vườn cây ăn trái, hoa màu ở các tỉnh này cũng lâm vào tình trạng phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn để tưới, báo hiệu năng suất thấp trong vụ tới.
Đến nay, 10 tỉnh đã công bố thiên tai do hạn, mặn. Tại Kiên Giang, các huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất là An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, với tổng diện tích sản xuất bị thiệt hại trên 34.000ha. Ngoài diện tích lúa, tỉnh Kiên Giang cũng có trên 29.700ha rau màu bị thiệt hại. Còn Bến Tre, hiện các sông chính độ mặn 4‰ và đang xâm nhập sâu vào các nhánh sông nhỏ từ 45-60km. Do mặn bao trùm ở nhiều nơi, việc sản xuất và sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng. Đã có 10.000ha lúa Đông xuân của bà con bị thiệt hại, hàng trăm diện tích cây ăn trái ở các huyện như Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành… bị thiếu nước ngọt, ảnh hưởng nặng đến năng suất.
Đến thời điểm này, Sóc Trăng có gần 15.000ha lúa Đông xuân ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị… đang bị nước mặn bao vây, trong đó có 2.500ha ha bị thiệt hại từ 30-80% và gần 1.000ha lúa chết rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu mặn kéo dài và chưa có biện pháp cấp tốc thì toàn bộ diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khảo sát thực tế cho thấy các trà lúa Đông xuân tại xã Lịch Hội Thượng và Viên Bình (huyện Trần Đề) nhìn đâu cũng thấy cảnh lúa cháy thui, lúa nghẹn đòng dựng cờ trắng, ruộng nứt nẻ vì thiếu nước ngọt, người dân chán nản bỏ ruộng khi lúa đang trổ. Thế nhưng có nhiều hộ thấy xót cố gắng theo kiểu còn nước còn tát, bón phân, bơm nước ngọt nhưng chính nguồn nước này cũng bị nhiễm mặn đến 4-5‰, trong khi cây lúa chỉ chịu được ngưỡng thấp hơn 2‰. Do đó, với các hộ từ bỏ sớm thì thiệt hại ít mà càng cố gắng lại thiệt hại càng nhiều. Anh Thạch Xiệm ấp Trà Ong (xã Viên Bình, Trần Đề) thất vọng nói: Tôi đã có 20 năm gắn bó với nghề trồng lúa nhưng chưa bao giờ gặp cảnh thiên tai khắc nghiệt cụ thể xâm nhập mặn nặng như năm nay. Toàn bộ hơn 1ha lúa của gia đình đang trổ nhưng có lẽ thu không được bao nhiêu. Bây giờ chỉ hy vọng thu lại được một ít rơm để làm thức ăn cho bò và một ít lúa lép để nuôi gà vịt thôi. “Nếu như vụ Đông xuân năm trước thu được trên 32 triệu đồng/ha. Năm nay gần như mất trắng, lại còn nợ tiền cày xới, vật tư nông nghiệp gần 20 triệu đồng chưa biết tìm cách nào để trả. Với tình hình này thì đến vụ Hè thu năm 2016 chưa chắc trồng được lúa vì đất đã bị nhiễm mặn hết rồi”.
Căn cứ dự báo mặn xâm nhập tại các cửa sông vùng ven biển ĐBSCL của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dự báo độ mặn dọc sông Cổ Chiên tại trạm xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long (cách cửa sông 50km), độ mặn có thể đạt 7-9‰ và đạt cao nhất 8-10‰ vào tháng 4; dự báo vào tháng 3, 4, 5 nguồn nước ngọt rất khó khăn. Còn tại trạm xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh (cách cửa sông Định An 60km), trên sông Hậu độ mặn từ 5-8‰, từ tháng 3 trở đi nước ngọt ít hơn nhiều so với tháng 2.
Trước tình trạng xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng ở mức báo động ở các tỉnh ĐBSCL, hiện nay các tỉnh, thành trong vùng đã và đang tập trung nhiều giải pháp để ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Tại hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL vừa qua, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng: Nguyên nhân của tình huống thiên tai trên có lý do sâu xa bởi tác động của con người vào dòng chảy trên sông Mekong, đã làm thay đổi vĩnh viễn một phần chế độ dòng chảy. Đồng thời sự thay đổi đó tác động nghiêm trọng hơn trong bối cảnh một El Nino xảy ra khốc liệt nhất trong lịch sử, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề ở một số địa phương cho dù đã có những biện pháp ứng phó. “Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5/2016. Giải pháp trước mắt của Bộ đưa ra trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ lúa Hè thu 2016 và vụ mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn....” - ông Phát nói.
Bài và ảnh: Phương Nghi