Đồng bằng sông Cửu Long với công tác vay vốn, xóa đói giảm nghèo (23/07/2010)
...Trải qua 20 năm xây dựng, phát triển và phấn đấu, Hội CCB Việt Nam đã thu được nhiều kết quả to lớn trong phong trào “Giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu hợp pháp”. Từ chỗ năm 1992, số hộ CCB nghèo là 32%, đến nay chỉ còn 5,47%; đã có 525.124 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ khá và giàu là 47,49%; số xã, phường hết CCB nghèo là 33,63%; xóa được gần 65.000 nhà dột nát, nhà tạm; đã có 2.560 doanh nghiệp, 763 HTX do CCB làm giám đốc và chủ nhiệm, giải quyết việc làm cho 283.578 lao động; có 4.817 tổ hợp tác và 22.595 trang trại, gia trại do CCB làm chủ, thu hút 157.016 lao động. Đến nay, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội CCB có số dư nợ 11.062,2 tỷ đồng, huy động được 974 tỷ đồng quỹ Hội để giúp nhau làm kinh tế, tạo việc làm cho 1.784.581 lao động là CCB và con em CCB; tổ chức tập huấn được 1.672 lớp về xóa đói giảm nghèo. 3.101 lớp về kiến thức vay vốn, 4.937 lớp về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… Những kết quả trên, có sự tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả của CCB 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Hai ngành phải gắn kết keo sơn
Qua thực hiện công tác vay vốn, xóa đói giảm nghèo, Hội CCB tỉnh Tiền Giang chúng tôi thấy rằng: Giữa hai ngành Ngân hàng CSXH và Hội CCB các cấp phải kết hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình ủy thác cho vay để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phòng ngừa những tiêu cực phát sinh, hàng năm cần chấn chỉnh, bổ sung nội dung ký kết cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo mọi điều kiện để nguồn vốn có lãi suất ưu đãi đến với hội viên nghèo thuận tiện nhất, đồng thời thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng các tổ TK&VV, mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên và tổ trưởng tổ phó vay vốn để trang bị kiến thức cơ bản nhằm giúp cho việc theo dõi quản lý điều hành vốn đạt hiệu quả cao. Bên cạnh việc đó, còn phải thường xuyên phối hợp với các ngành NN & PTNT và các ngành liên quan mở các lớp chuyển giao KH-KT của các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công cho cán bộ vay vốn, để họ áp dụng việc sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, hai ngành cũng phải phối hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn, giám sát quá trình vay, sử dụng vốn và lãi đúng kỳ hạn, mới hạn chế được mọi rủi ro…
Cho vay có trọng tâm, tránh cào bằng
Hội CCB thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có hai đề nghị:
-
Đề nghị Ngân hàng CSXH cho vay có trọng tâm, không cào bằng, chỉ nên cho vay đối với những hộ có điều kiện sản xuất và chí thú làm ăn. Có như vậy sử dụng vốn vay mới hiệu quả.
-
Đề nghị Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, tái nghèo, hộ vượt nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ về vốn, cây con, giống, nhà ở, đất sản xuất, việc làm… để các đối tượng này có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo…
Cần kiểm tra, giám sát thường xuyên
Qua một số năm phối hợp với Hội CCB thực hiện công tác cho vay, xóa, đói giảm nghèo, Ngân hàng CSXH tỉnh Cà Mau chúng tôi thấy rằng: cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Hội cấp trên với hội cấp dưới; nhất là với tổ tiết kiệm, vay vốn, có vậy mới nâng cao được chất lượng tín dụng ưu đãi và hạn chế được các hiện tượng tiêu cực. BCH Hội cấp tỉnh, huyện, cần bố trí từ 1 đến 2 đồng chí theo dõi, nắm bắt, phân tích tình hình các mặt hoạt động của cơ sở, nếu nhận thấy có vương mắc thì phải xuống giải quyết kịp thời. Nên phát hành cho cơ sở cuốn cẩm năng áp dụng KH-KT về cây trồng, vật nuôi và quản lý các nguồn vốn, giúp vay sử dụng vốn vay đúng mục đich, mang lại hiệu quả…
Chớ xem nhẹ chứng từ, sổ sách
Tôi là Trần Xuân Thơ, tổ trưởng tổ vay vốn ấp Tân Xuân, xã Tân Nghĩa, TP Vĩnh Long, Qua thực tế công tác, tôi có mấy kinh nghiệm nhỏ thế này: Tổ trưởng vay vốn là cầu nối giữa hội viên và tổ chức Hội, giữa tổ viên với Ngân hàng CSXH. Làm tổ trưởng vay vốn việc không nhiều, không phải chỉ mất một vài ngày đi thu lãi, thu xong là nộp cho Ngân sách ngay, nhưng không phải vì thế mà xem nhẹ việc lưu giữ các loại chứng từ, sổ sách theo quy định. Chắc các đồng chí cũng đã gặp: rất đơn giản, gặp tổ trưởng đâu thì đưa tiền, tỷ lệ lãi suất bao nhiêu một tháng, đã đóng lãi đến tháng nào rồi, tổ trưởng vay vốn không ghi, không lưu giữ chứng từ sổ sách dễ đấn đến cãi vã, thậm chí có lúc phải bỏ tiền riêng để trả oan do sự thiếu cẩn thận của mình….
Nên đổi mới một số quy định và cách làm
Trong triển khai thực hiện chương trình vay vốn, Hội CCB huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do một số quy định của Ngân hàng CSXH, như: một tổ vay vốn phải có từ 20 hội viên trở lên; hoặc trong một hộ gia đình, nếu có một thành viên vay vốn ở nguồn nông thôn, thì không được vay các nguồn khác. Thực tế chi hội CCB ở các ấp khóm, thường có số lượng hội viên dưới 20 đồng chí, do vậy, số hội viên CCB được vay vốn rất ít so với các đoàn thể khác như Nông dân, Phụ nữ…
Thêm nữa, chúng tôi đề nghị Ngân hàng CSXH nghiên cứu phân bổ vốn vay đều cho các đoàn thể ở xã, để tránh tình trạng đoàn thể này nhiều, đoàn thể kia ít; đoàn thể được vay quá nhiều thì không quản lý nổi, cán bộ hội ở xã hằng ngày chỉ lo quản lý nguồn vốn mà buông xuôi nhiệm vụ chuyên môn, dẫn đến thất thoát vốn và hư hỏng cán bộ; còn đoàn thể được vay ít thì không đủ vốn hỗ trợ cho hội viên vay để xóa đói giảm nghèo…
Vai trò của cấp ủy, chính quyền hết sức quan trọng
Tôi là Phạm Văn Nguyên, ở phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhận thức rất sâu sắc việc thành lập Ngân hàng CSXH để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho nghèo và các đối tượng chính sách, nhằm tạo công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống cho hộ nghèo và hộ chính sách, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là một chủ trương đúng, hợp lòng dân. Tôi nghĩ chương trình này cần mở rộng về quy mô và đi vào chiều sâu, chủ trương XĐGN ngày càng đạt kết quả hữu hiệu. Muốn vậy, ngoài sự gắn kết giữa hai ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, với tinh thần đầy trách nhiệm giữa các đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở và Ngân hàng CSXH, trong đó, cấp ủy, chính quyền có vai trò hết sức quan trọng trong khâu tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi và đề nghị cho vay đúng đối tượng. Thực tế thời gian vừa qua, nơi nào cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo các ngành, các đoàn thể thực hiện tốt các quy định cho vay, thì nơi đó hiệu quả cho vay XĐGN sẽ đảm bảo tốt hơn và ngược lại. Tôi đề nghị thêm việc triển khai cho vay cần dựa trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch XĐGN ở địa phương; những hộ gia đình có vay vốn cần được tập huấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; sự gắn kết giữa Ngân hàng CSXH, đoàn thể và các cơ quan khuyến nông, khuyến ngư, cũng phải được đảm bảo tốt…
Lời khuyên của một hội viên nghèo thành đạt
Tôi là Lương Văn Thế, hội viên Hội CCB huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Xưa tôi nghèo lắm. Nhờ được vay vốn ưu đãi và tu chí làm ăn, tôi không chỉ xóa được nghèo, mà trở thành giàu có. Vì sao? Tôi thấy rằng:
Thứ nhất: Để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, hội viên CCB phải thường xuyên học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, phải vừa sản xuất, vừa tiết kiệm.
Thứ hai: Phải phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, có ý chí vươn lên, nêu cao tính tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào đãi ngộ chính sách của Nhà nước, bản thân phải tự lo, kết hợp với trợ giúp cộng đồng; phải xem đói nghèo là một thứ giặc, kiên quyết loại trừ.
Thứ ba: Phải đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, từ đó có phương pháp chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; phải học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và qua sách báo, qua tập huấn kiến thức kỹ thuật sản xuất do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, kể cả chương trình khuyến nông, khuyến ngư trên truyền hình và những buổi hội thảo đầu bờ do Hội và xã tổ chức.
Thứ tư: Phải sử dụng vốn vay từ các nguồn đúng mục đích và có hiệu quả, tránh thất thoát, phải xác định chữ tín là gốc.
Thứ năm: Phải tham gia sinh hoạt chi hội đều, để nắm bắt thông tin, thời sự, nhắc nhở nhau phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gắn bó với Hội, tương trợ giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, luôn phấn đấu trở thành hội viên gương mẫu, chăm lo giáo dục xây dựng gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa.
Nguyễn Phúc Ấm (Lược trích)