Đồng bằng Sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh: Tăng tốc phát triển kinh tế (24/03/2011)
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực
Có thể khẳng định hệ thống giao thông trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hoàn thiện một bước và trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thành 5 tuyến đường trục dọc chính và các tuyến trục ngang tại khu vực ĐBSCL; phấn đấu 100% số xã có đường ô tô, xóa bỏ cầu khỉ, tập trung khai thác triệt để thế mạnh vận tải thủy, tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng, luồng. Trước mắt triển khai nâng cấp tuyến sông Hàm Luông, xây dựng tuyến sông Mương Khai, Đốc Phủ Hiệp nối liền sông Hậu, sông Tiền, nhằm rút ngắn quãng đường vận chuyển thủy hiện nay khoảng 60km; đồng thời nạo vét luồng Định An cho tàu có trọng tải 5-10 ngàn tấn qua lại, đưa Cảng hàng không Phú Quốc vào sử dụng. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện về giao thông cũng cần hoàn thành việc xây dựng quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng, với tổng nguồn vốn ước tính khoảng 520.000 tỷ đồng.
Vấn đề giáo dục ở các địa phương, cơ sở được đặc biệt quan tâm bởi hiện nay toàn vùng ĐBSCL còn 215 xã chưa có trường mầm non, 88 xã chưa có trường THCS. Giáo viên ở các cấp đào tạo, quy mô trường lớp vẫn còn yếu và chưa đạt chuẩn. Vì thế đòi hỏi toàn vùng ĐBSCL hoàn thiện mạng lưới trường học, xây dựng 10-12 trường nghề, nâng cấp và thành lập mới 12 trường ĐH, 11 trường CĐ, xây dựng các trung tâm đào tạo nghề ở cấp huyện. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, vùng ĐBSCL có tỷ lệ đào tạo nghề khá thấp so với cao đẳng và trung cấp, 334 cơ sở dạy nghề do hệ thống T.Ư và tỉnh quản lý, cùng với 105 trung tâm dạy nghề do hệ thống huyện quản lý, nhưng những cơ sở này đều không đảm bảo về cơ sở vật chất cho đào tạo nghề.
Để giải quyết vấn đề về nhân lực - yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, bà Đặng Thị Ngọc Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đề cập: “Nguồn nhân lực tại khu vực ĐBSCL còn đang rất dồi dào, nhưng chưa phát huy được thế mạnh của nó. Vì vậy trong thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan đến vấn đề nhân lực, vấn đề giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nghề, cần có những giải pháp quyết liệt hơn”.
**Phát triển kinh tế chiều sâu **
Giai đoạn cuối năm 2010 và đầu năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã tập trung thu hút đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội tốt để TP Hồ Chí Minh mở hướng trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã khẳng định: “Đây chính là lúc TP Hồ Chí Minh càng phải thể hiện rõ hơn vai trò “đầu tàu kinh tế” của cả nước và thực hiện nhiệm vụ cao cả “Vì cả nước, cùng cả nước”, thực hiện triệt để Nghị quyết 11 của Chính phủ”.
Trong những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh liên tục tăng cao hơn mức bình quân của cả nước, ở hầu hết các ngành, các thành phần kinh tế; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí chế tạo; điện tư û- công nghệ thông tin; hóa chất; chế biến lương thực-thực phẩm chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2010, tổng giá trị sản lượng của 4 đơn vị ngành công nghiệp trọng yếu này, đã đạt 124.414 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,5% với tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm. Cùng với hàng loạt dự án trong và ngoài nước đã và đang thực hiện, Trường ĐH quốc gia thành phố tiếp tục thực hiện dự án sản xuất chíp điện tử, đồng thời Công viên phần mềm Quang Trung, khu nông nghiệp kỹ thuật cao và ngành y tế kỹ thuật cao đã triển khai thực hiện các dự án… cho thấy TP Hồ Chí Minh có đủ cơ sở đặt niềm tin vào ngành công nghiệp thành phố tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện đang tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người nghèo, nhất là diện chính sách, người nghỉ hưu, người khuyết tật neo đơn, công nhân, nông dân, sinh viên, lực lượng vũ trang đang gặp khó khăn do việc tăng giá điện, nước, xăng dầu. Các đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, có biện pháp giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc tại từng địa bàn, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đồng bào nghèo, gia đình chính sách và người lao động.
Vũ Ngọc