Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Tính đến nay, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, khu vực ĐBSCL có những bước chuyển mình lớn về mọi mặt, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn, gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Theo đánh giá, giai đoạn 2016-2018, nông nghiệp ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm); đóng góp 34,6% GDP toàn Ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung của vùng. ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước. Diện mạo nông thôn vùng ĐBSCL có nhiều đổi mới. Tính đến tháng 6-2019, toàn vùng có 528 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 40,6%), gấp hơn 2,7 lần so với thời điểm năm 2015. Do có điều kiện tự nhiên thích hợp nên ở ĐBSCL, việc tập trung chính sách để phát triển nông nghiệp, thuỷ sản là hướng đi đúng đắn và bền vững. Nông nghiệp ĐBSCL từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn, gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Theo định hướng tới năm 2025 sẽ có 3 sản phẩm chủ lực của vùng này là thuỷ sản, trái cây và lúa gạo. Ngành nuôi tôm và cá tra ở khu vực ĐBSCL được định hướng phát triển từ nông nghiệp thành công nghiệp sản xuất quy mô lớn, xuất khẩu sản phẩm. Mục tiêu tới năm 2030 là 1 triệu héc-ta mặt nước dành cho hai ngành nghề này. Diện tích vùng nuôi tôm chiếm tới 92% diện tích cả nước, vào khoảng gần 700.000ha, là thế mạnh quan trọng nhất của vùng này.
Với các sản phẩm trái cây, theo thống kê của Bộ NNPTNT, diện tích trồng trái cây là 680.000ha và có thể tăng thêm 200.000ha trong thời gian tới. Mục đích là tạo ra những cây trồng chủ lực có khả năng chịu phèn mặn để không bị mất mùa khi thiên nhiên thay đổi. Có thể nói, vùng ĐBSCL có lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn, khó lường hơn đang là thách thức lớn của khu vực này. Thực tế những năm qua, nhiều địa phương đã chịu thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở do nước biển dâng kết hợp với sụt lún gây ngập. Từ năm 2010 đến nay, có 562 điểm sạt/786km (sạt lở bờ sông là 513 điểm/520km, xói lở bờ biển là 49 điểm/266km), đặc biệt có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm/173km (bờ sông 35 điểm/74km, bờ biển 20 điểm/98km); 140 điểm nguy hiểm/97km; 367 điểm bình thường/516km. Ngoài ra, việc xây dựng đập thủy điện bên ngoài biên giới đã làm thay đổi dòng chảy, giảm phù sa, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn sâu. Bên cạnh đó là ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng bị chặt phá… Thời gian tới, ĐBSCL tiếp tục phải đối mặt với các thách thức lớn từ BĐKH và các hoạt động phát triển thượng nguồn.
Ứng phó với tình trạng này, nhiều biện pháp và sự đầu tư to lớn đã và đang được triển khai áp dụng tại khu vực ĐBSCL như chuyển đổi diện tích trồng lúa có diều kiện khó khăn sang trồng các loại cây khác phù hợp và hiệu quả hơn. Một số địa phương như tỉnh Bến Tre, diện tích canh tác lúa giảm 10.000ha để chuyển sang nuôi thủy sản ở vùng mặn, trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: dừa, cây ăn trái, rau màu. Tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 12.900ha, trong đó, chuyển sang cây ăn quả 9.850ha.Việc chuyển đổi cây trồng giúp cải thiện môi trường canh tác do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm nước so với trồng lúa… Ngoài ra, hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu chuyển đổi đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng BĐKH. Các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển được triển khai, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của BĐKH tại khu vực ĐBSCL, thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục bố trí kinh phí xử lý sạt lở; nâng cấp củng cố đê điều và di dân một số khu vực sạt lở xung yếu ĐBSCL tiếp tục xử lý 24 trọng điểm với 97km sạt lở bờ sông, bờ biển với kinh phí 1.635 tỷ đồng. Di dân khẩn cấp một số vùng sạt lở ĐBSCL cho 29.409 hộ với 114.636 nhân khẩu, kinh phí 4.557 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn T.Ư 3.737 tỷ đồng, địa phương 820 tỷ đồng. Hỗ trợ xử lý nâng cấp 255,3km đê điều xung yếu ĐBSCL với tổng kinh phí 962 tỷ đồng… Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đang dần trở thành hiện thực.
Thanh Huyền