Đồng bằng sông Cửu Long: Hiệu quả mô hình cánh đồng lớn
Nếu như năm 2011 mô hình CĐL lần đầu tiên xuất hiện ở ĐBSCL và mô hình đã và đang khẳng định vai trò vị trí của một phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2014 diện tích mô hình “Cánh đồng lớn” ở ĐBSCL tăng lên 290.000ha. Diện tích các doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất và thu mua lúa gạo của nông dân thành công trên 42.605 ha. Có 88 hợp tác xã và 551 tổ hợp tác là đại diện cho nông dân đứng ra ký kết hợp đồng thu mua lúa, luôn đảm bảo giá mua bằng giá thị trường cộng thêm 100-200 đồng/kg lúa tươi, hoặc chí ít cũng bằng giá thị trường. Khi tham gia vào mô hình đã làm tăng năng xuất sau thu hoạch cao hơn từ 15-20% so với diện tích lúa thông thường.
Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh-nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng: CĐL là mô hình ưu việt, hài hòa lợi ích giữa hai tác nhân chính trong chuỗi sản xuất: nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể: CĐL giúp tăng thu nhập cho nông dân do tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành nên lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn sản xuất lúa thông thường từ 1,2-7,5 triệu đồng/ha. “CĐL giúp tăng tính cộng đồng, sự đồng đều do khắc phục hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân (đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật…) tạo nên sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm; thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã kiểu mới”-tiến sĩ Lê Văn Bảnh nói. Thực hiện mô hình CĐL, nông dân được cung ứng vật tư đầu vào kịp thời với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng; được tư vấn, hướng dẫn sử dụng nên hiệu quả cao hơn; khắc phục tình trạng mua bán vật tư trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Chi phí sản xuất (dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch…) giảm, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý dịch hại tổng hợp và cơ giới hóa nên tăng năng suất lao động, giảm chi phí nhân công, giảm lượng và số lần phun thuốc, giảm lượng giống, lượng phân bón và tăng hiệu quả sử dụng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân so với cách làm riêng lẻ trước đây…
Tham gia CĐL, nông dân được tiếp cận thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường về chủng loại, số lượng, chất lượng nên sản xuất-tiêu thụ bền vững, hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, tham gia CĐL, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc. Đây là những điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó khẳng định vị thế, thương hiệu của hạt gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Giám đốc Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) Huỳnh Văn Thòn cho biết: Đến nay, toàn vùng đã có gần 1.500 điểm, 45 mô hình “liên kết bốn nhà“. Mô hình “Cùng nông dân ra đồng” đã thu hút 3.000 hộ nông dân tham gia trên diện tích hơn 3.200 ha. Việc xây dựng thành công mô hình “liên kết bốn nhà“ của AGPPS đã mở hướng đi mới cho nhiều vùng chuyên canh nông sản ở ĐBSCL. Điều đáng nói là khi đăng ký tham gia thực hiện mô hình CĐL, những người nông dân không quan tâm chuyện được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu kinh phí, mà quan trọng là được ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật sản xuất trên thửa ruộng của mình. Ông Lê Quang Sang ở ấp Nam Thạnh, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Khi biết tỉnh chọn xã Vĩnh Hưng làm điểm xây dựng mô hình CĐL, tôi xin đăng ký tham gia ngay và thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Đó là giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận. Khi tham gia mô hình, tất cả các hộ dân phải tuân thủ các biện pháp sử dụng cùng 1 giống, cấp xác nhận, xuống giống tập trung né rầy. Đồng thời, chúng tôi được các kỹ sư hướng dẫn áp dụng thống nhất quy trình “1 phải 5 giảm”; bón phân cân đối theo “4 đúng”; quản lý dịch hại theo IPM và công nghệ sinh học; thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp; liên kết các hộ nông dân giúp đỡ nhau trong sản xuất.
Để nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ-Nguyễn Quốc Việt cho rằng: Cần phải tăng cường mối liên kết 4 nhà trong chủ trương tam nông. Nông dân cần được tổ chức sản xuất năm vững các yếu tố kỹ thuật để tăng năng suất, tăng chất lượng hạt gạo, hạ giá thành. Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa ở ĐBSCL và đầu tư cho công nghệ sau thu họach. Các tỉnh, thành cần có sự phối hợp với các ngành hình thành qui chế phối hợp hành động trong quản lý, quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm cũng như bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Mô hình trồng lúa thơm trên ruộng tôm ở huyện Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu... được xem là điển hình không những cho hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo vệ môi trường xanh, mở ra cơ hội làm giàu bền vững cho nông dân.
Bài và ảnh: Phương Nghi