Đồng bằng sông Cửu Long đang cất cánh (09/08/2012)
Hằng năm, nơi đây cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thuỷ sản, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Ngoài ra, ĐBSCL còn giữ một trọng trách rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới với 41,79% tổng sản lượng lương thực và 33,21% giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước và có một nguồn nhân lực rất lớn với 20,6% dân số cả nước.
Trong một thời gian dài, ĐBSCL là vùng trũng của mặt bằng về giáo dục, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư, người nghèo chiếm khá cao... Năm 2005, Chính phủ đã ban hành Quyết định 344/2005QĐ-TTg về “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cho vùng ĐBSCL” giai đoạn 2005 - 2010. Vùng ĐBSCL đã được đầu tư nhiều công trình GTVT như các cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông; mở rộng quốc lộ 1 đoạn Trung Lương - Cần Thơ, xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến đường Nam sông Hậu, tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, nạo vét kênh Chợ Gạo, các tuyến giao thông đường thủy nội địa... Tổng vốn đầu tư cho các công trình giao thông vận tải ở ĐBSCL ước khoảng 60.000 tỉ đồng. Mối liên kết về hạ tầng giao thông vận tải đường bộ giữa các tỉnh, thành, các huyện, thị trong vùng đã cải thiện đáng kể. Hệ thống sân bay như sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá... cũng được quy hoạch trên nguyên tắc đảm bảo kết nối vùng với sân bay quốc tế, phân bổ đều khắp trong khu vực. Hệ thống đường thủy nội địa đã và đang được đầu tư, đặc biệt là các tuyến sông chính yếu, đảm bảo khả năng kết nối khu vực với các cảng sông, cảng biển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng… Các công trình này vừa được đầu tư đã tạo diện mạo mới cho vùng, đồng thời cũng là động lực để ĐBSCL cất cánh.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã được cải thiện rõ rệt, mang tính đồng bộ, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, tạo đà phát triển vùng ĐBSCL. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 638/QĐ-TTg về “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cho vùng ĐBSCL” đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, có các công trình trọng điểm có tính chất chiến lược để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL như cầu Cổ Chiên nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh; đường hành lang ven biển phía Nam; các quốc lộ 91; 53, 54; tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ và một số công trình quan trọng khác như tuyến kênh Chợ Gạo, dự án sông Hậu, sông Cửa Lớn, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc mới giai đoạn 1… với tổng nguồn vốn khoảng 63.000 tỷ đồng. Về quy hoạch phát triển vận tải vùng ĐBSCL, phấn đấu đến năm 2015 đạt được 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Các xã Cù Lao chưa xây dựng được cầu đường bộ phải có bến phà, 100% số đường huyện và tối thiểu 70% số đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa... theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
Bài và ảnh: Phương Nghi