Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ giới hóa vào đồng ruộng còn nhiều khó khăn (25/10/2012)

Cơ giới hóa vào đồng ruộng tăng cao

Nếu như năm 2005, ĐBSCL chỉ có khoảng 30 máy GĐLH làm dịch vụ cắt lúa trên đồng ruộng thì nay tăng lên 12.234 máy gặt lúa, trong đó có đến 8.698 máy GĐLH, chiếm 71%. Diện tích lúa được gặt bằng máy cả vùng đạt 56%, một số tỉnh mức độ cơ giới hóa thu hoạch cao từ 60-90% như Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng... Năm 2005, có 6.600 máy sấy lúa thì nay tăng lên 9.600 máy, đáp ứng 33% sản lượng lúa hè thu. Theo ngành nông nghiệp, thu hoạch bằng máy GĐLH bình quân 2.100.000 đồng/ha, tiết kiệm 900.000 đồng/ha so với thu hoạch bằng tay. Tổn thất ở khâu này từ 5,6% giảm xuống còn 2%. Người mua máy làm dịch vụ có thể hoàn trả 100% vốn vay trong 2-3 năm và hầu như không có nợ xấu. Việc phát triển nhanh máy GĐLH đã tác động đến việc thay đổi tập quán canh tác ở ĐBSCL. Việc dùng máy GĐLH tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái và thương lái thực hiện việc làm khô lúa tại các lò sấy dịch vụ quy mô lớn.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, để giảm tổn thất sau thu hoạch đối với sản xuất lúa thì nhất thiết phải đầu tư cơ giới hoá “từ lúc gieo trồng đến tận khi thu hoạch và ứng dụng công nghệ vào sản xuất”. Cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu ứng dụng máy GĐLH, máy cắt phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng”.

Còn nhiều khó khăn

Theo Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, ĐBSCL có khoảng 60-70% số máy GĐLH nhập khẩu mới từ Trung Quốc, máy đã qua sử dụng của Hàn Quốc, còn lại do các cơ sở tư nhân ở ĐBSCL tự sản xuất. Trong khi ngành cơ khí trong nước còn chưa bắt nhịp thì máy GĐLH Trung Quốc ồ ạt đưa về khắp nơi với đủ loại, chất lượng thì... xài rồi mới biết. Việc quản lý kiểm tra chất lượng hầu như bỏ ngỏ, khiến nhiều nông dân “lãnh đủ”. Có lẽ vì còn quá mới với chiếc máy vừa gặt vừa tuốt và cho ra lúa ngay trên đồng nên nhiều nông dân chưa lường hết rủi ro từ những chiếc máy này đem lại.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc thương mại và công nghiệp (VCCI) Cần Thơ nhận định: “Thay đổi về cơ giới hóa diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới. Nhưng từ đây cũng nảy sinh câu hỏi là ngành cơ khí trong nước được hưởng lợi gì từ sự gia tăng nhanh chóng này, hay chúng ta sẽ làm lợi cho các nhà bán máy cơ khí nước ngoài? Rõ ràng là nông dân, nông nghiệp không thể chờ đợi sự tiến bộ của ngành cơ khí trong nước, vì chờ đợi cũng đã quá lâu rồi”. Hiện các doanh nghiệp cơ khí địa phương đã quan tâm đến thị trường máy GĐLH và sẽ sản xuất khoảng 3.000 máy GĐLH/năm nhưng phải đợi 1-2 năm nữa mới hoàn thành các quy trình sản xuất hiện đại.

Vì thế, đòi hỏi cần có chính sách thích hợp để khuyến khích nông dân mua máy phục vụ sản xuất lúa góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động, đảm bảo thời vụ, tiết kiệm giống, hạ giá thành, tăng thu nhập cho nông hộ. Đây cũng là nguyện vọng của nông dân trong vùng.

Bài và ảnh: Phương Nghi