Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động chống hạn, xâm nhập mặn
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang vào cao điểm mùa khô, mùa xâm nhập mặn. Lưu vực sông Mê Kông đang ở thời kỳ mùa khô, hiện trữ lượng nước Biển Hồ (Campuchia) đã xuống ở mức thấp và dòng chảy về đồng bằng ở mức hạn chế. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng Nam Bộ đang cao hơn trung bình nhiều năm. Nguy cơ 300.000 ha đất tại ĐBSCL bị hạn hán, xâm mặn và khoảng 1,5-2 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề đang hiện hữu. Vì thế, công tác phòng, chống xâm nhập mặn, chủ động nước tưới cho sản xuất đang được các địa phương đặc biệt quan tâm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Trước nguy cơ ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, chính quyền cũng như người dân các địa phương đã xây dựng kế hoạch từ khá sớm để chủ động ứng phó. Theo số liệu tổng hợp của ngành NNPTNT, đến nay, tại huyện Ba Tri (Bến Tre) có hơn 11.000ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng được nông dân tích cực chăm sóc, cung ứng nước nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra, nạo vét 155 tuyến kênh với chiều dài 138km để phục vụ sản xuất. Tỉnh Long An tuyên truyền đến người dân thực hiện đúng lịch thời vụ và sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời duy tu, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi để trữ nước; tổ chức vớt, diệt lục bình khơi thông dòng chảy. Tại Tiền Giang, tỉnh đã đầu tư 24 công trình thủy lợi nội đồng ở huyện Gò Công Ðông và triển khai 195 điểm bơm chuyền hai cấp để cứu lúa ở những khu vực xa kênh chính, vận động người dân tích trữ nước ngọt để đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn 2019, đồng thời vận động nhân dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ để ngăn mặn, trữ ngọt. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho 61.000ha lúa Đông xuân 2018-2019, hơn 76.000ha Hè thu 2019 và nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các địa phương tích cực nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng. Tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị tốt kế hoạch phòng chống thiếu nước nhằm đảm bảo tưới cho 56.000ha lúa, trên 22.400ha màu vụ Đông Xuân; đồng thời đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là 62.065 hộ ở nông thôn... Trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, ngay từ đầu mùa khô, tỉnh Kiên Giang đã chủ động đóng các cống ngăn mặn trên tuyến đê ven biển; triển khai đắp đập tạm trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương; đồng thời đắp đập tạm trên kênh Nhánh (T.P Rạch Giá), kết hợp vận hành cống Sông Kiên, Kênh Cụt, đảm bảo ngăn mặn. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang và An Giang tính toán lịch thời vụ xuống giống xen kẽ giữa hai tỉnh, luân phiên lấy nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp tránh tình trạng khai thác cùng lúc khiến nước trên các sông xuống quá thấp. Còn tại Vĩnh Long, ngay từ cuối năm 2018, tỉnh có kế hoạch ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 30.000ha lúa Hè thu và hơn 3.200ha rau màu ở các huyện bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít, đồng thời, chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 62.000 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng và các hộ ở trong nội đồng, xa kênh rạch lớn...
Giải quyết vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là vấn đề rất lớn đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ và tiền bạc cũng như thời gian thực hiện. Với các giải pháp phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm mặn, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều; điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phối hợp với các quốc gia láng giềng, đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn và hệ thống đê nhỏ ven biển thì đi cùng đó chính là sự vào cuộc của mỗi người dân khu vực ĐBSCL, khắc phục mọi khó khăn để “chung sống với khô hạn” giống như từng “chung sống với lũ”.
Quốc Huy
Người dân huyện Bình Đại, tinh Bến Tre chuẩn bị nước sinh hoạt trong mùa khô hạn.