Đồng bằng sông Cửu Long: 786 km sạt lở
Tình hình tương tự xảy ra ở ven tuyến bờ biển Đông với chiều dài bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm là 48.000 m. Trong đó, sạt lở mức độ rất nguy hiểm có 5 đoạn với tổng chiều dài 24.500 m. Tại 5 đoạn sạt lở nêu trên, rừng phòng hộ đã bị sóng biển cuốn mất, bờ biển bị sạt lở và khoét sâu vào đất liền từ 50 đến 80 m, với chiều dài khoảng 10.000 m.
Chỉ tính từ năm 2007 tới nay, Cà Mau đã mất hơn 4.000ha rừng phòng hộ ven biển và hàng trăm ha đất mỗi năm. Đó là chưa tính đến con số sạt lở ven sông, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình xây dựng và đe dọa đến tính mạng của người dân.
*Sạt lở tại ĐBSCL ảnh hưởng nghiêm trọng đến người và tài sản.
*
Không chỉ ở Cà Mau, nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải căng mình đối phó với sạt lở. Hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149 km cần phải xử lý cấp bách. Tổng kinh phí cần đầu tư vào khoảng 6.990 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc với các tỉnh ĐBSCL về tình hình sạt lở đất diễn ra gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý sử dụng khoảng 2.500 tỷ đồng từ kinh phí dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 và đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho các địa phương trong vùng để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách, xây dựng đê biển, kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển và kè chống sạt lở ven sông tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Bên cạnh các giải pháp “cứng”, các chuyên gia khuyến cáo: Cần cung cấp đủ lượng đất san nền thay cho cát, giám sát chặt chẽ việc khai thác cát để giảm thiểu sạt lở ven sông, ven biển; xây dựng hệ thống hồ sinh thái chứa nước ngọt, giảm sử dụng nước ngầm gây lún sụt đất, hạn mặn, ngập úng; quy hoạch lại các khu dân cư, kiểm soát di dân tự do, phá rừng ven biển làm đầm nuôi trồng thủy sản; giữ nguyên 227 nghìn hécta rừng - đặc biệt là 63 nghìn ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; phát triển thêm rừng ngập mặn ở những nơi có điều kiện; khuyến khích các thành phần kinh tế tạo đất mới, rừng mới giữ bờ biển, lấn bờ biển bằng chính sách giao đất thời gian dài 50 - 70 năm với diện tích đất, rừng mới được tạo lập...
Hết hạn hán và xâm nhập mặn, giờ đây người dân ĐBSCL hằng ngày phải đối mặt với sạt lở. Họ mong muốn chính quyền các cấp sớm có biện pháp khắc phục để ổn định lại cuộc sống.
Đức Bình