Đòn quyết định Xuân Mậu Thân 1968
Đêm 20, rạng 21-1-1968, quân ta nổ súng tiến công căn cứ chính Khe Sanh và toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch trên Đường số 9. Những “quả đấm chủ lực” của Quân giải phóng (F304, F320, F324, F325) được tăng cường nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật mới (xe tăng, pháo nòng dài) nhanh chóng phát huy sức mạnh, đẩy quân viễn chinh và quân đội Sài Gòn rơi vào tình thế bị bao vây, trở nên nguy kịch, luôn trong tâm trạng “cá nằm trên thớt”.
Đòn “phủ đầu” này như “thỏi nam châm cực mạnh” thu hút sự quan tâm theo dõi của cả chính quyền cùng đông đảo nhân dân Mỹ. Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam (MACV) do tướng Uyliam Oétmolen đứng đầu tập trung lực lượng, vũ khí, phương tiện chiến tranh để đối phó. Chỉ tính từ ngày 21-1 đến 31-3-1968, Mỹ đã ném khoảng 100 ngàn tấn bom, bắn gần 150 ngàn quả đạn pháo để giải tỏa áp lực cho căn cứ chính Khe Sanh.
Đích thân Tổng thống Linđơn Giônxơn cho lập sa bàn ngay tại Nhà trắng để tiện theo dõi chiến sự, đồng thời yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân phải “ký cam kết” không được để mất căn cứ Khe Sanh, vì lo sợ một thảm họa như quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Kế đường cùng, tướng Uyliam Oétmolen còn lên phương án sử dụng vũ khí nguyên tử để giải vây.
Khi mọi sự chú ý và hành động đối phó của phía Mỹ đổ dồn vào Mặt trận Đường 9-Khe Sanh, thì vào dịp Tết Mậu Thân (30 và 31-1-1968), quân dân ta bất ngờ mở cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn Miền, đồng loạt đánh vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn; đánh vào hầu hết cơ quan đầu não trung ương và địa phương của địch, bao gồm cả 4 bộ tư lệnh quân khu-quân đoàn, các sân bay, tổng kho... Nhiều trận đánh gây chấn động rất lớn như đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh Sài Gòn, làm chủ Thành phố Huế 25 ngày đêm... Nhân dân hầu khắp vùng nông thôn, có lực lượng vũ trang giải phóng hỗ trợ, nổi dậy phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ.
Chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân toàn Miền đã tiêu diệt và làm tan rã trên 15 vạn địch, trong đó có gần 4 vạn Mỹ, phá hủy trên 1 triệu tấn vật chất; phá trên 600 ấp chiến lược, giải phóng 1,3 triệu dân... Trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trừ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, chưa có cuộc động binh và huy động lực lượng nào có tầm vóc, qui mô và khí thế cao như Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Cuộc tiến công và nổi dậy “long trời, lở đất” của quân dân ta đã làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn “sững sờ, choáng váng”, đánh dấu sự thất bại toàn diện, nặng nề nhất của công tác tình báo chiến lược; đồng thời “lật tẩy” những tuyên truyền lừa dối của chính quyền Tổng thống Giônxơn đối với người dân về thắng lợi trên chiến trường trước đây. Phong trào phản đối chiến tranh trong các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao hơn nữa, tình hình chính trị nội bộ đất nước bị chia rẽ trầm trọng.
Ngày 31-3-1968, Tổng thống Linđơn Giôn xơn buộc phải tuyên bố: hạn chế, tiến tới ngừng ném bom miền Bắc; sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; “phi Mỹ hóa” chiến tranh xâm lược. Chiến lược “chiến tranh cục bộ” đến đây cơ bản bị phá sản.
*(Xem từ số 313 - tháng 11-1017; còn nữa) *
Trần Nam Phương