Đòn giáng trả thú vị

Phạm vi cấm đánh bắt cá do họ ngang nhiên vạch ra trên Biển Đông là từ 12 độ vĩ Bắc đến cả Vịnh Bắc Bộ và "giao tuyến hải vực Mân Áo", tức vùng biển từ Phúc Kiến đến Quảng Đông, tọa độ từ 117º31'37.40"E, 23º09'42.60"N đến 120º50'43"E, 21º54'15"N.
Lệnh cấm này cũng được áp dụng ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải. Thật ngang ngược! Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã lên tiếng phản đối và bác bỏ việc làm bất hợp pháp này của phía Trung Quốc.
Một cơ quan cấp Bộ, lại là Bộ Nông nghiệp mà lại có quyền cấm đánh bắt cá ở vùng lãnh hải quốc tế, trong đó có một phần chủ quyền của Việt Nam là một việc làm hết sức kỳ dị. Đây cũng chính là trò ma lanh và tháu cáy của Trung Quốc, nếu chúng ta có phản ứng, họ sẽ chối biến, coi như đấy không phải chuyện quốc gia mà chỉ là một việc làm manh động của cơ sở.
Còn nhớ hồi sang thăm Trung Quốc, tôi đi theo đội hình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với tư cách một ký giả, với góc độ một cá nhân, lại là một người lính từng cầm súng bảo vệ Trường Sa, tôi từng có một loạt bài phản ứng Trung Quốc có những hành vi ngang ngược xâm lấn hải đảo và lãnh hải của Việt Nam. Khi đó, một nhà lãnh đạo truyền thông Trung Quốc, cũng là một đồng nghiệp cùng cấp bảo tôi: “Chúng ta là nhà báo thì phải vì đại cục, viết gì cũng vì tình hữu nghị đằm thắm giữa hai nước, đừng kích động nhân dân, đừng để dân hiểu lầm”.
Tôi nói lại: “Đúng thế. Chúng tôi cũng chỉ mong vậy và luôn giữ đúng cam kết, thậm chí là nín nhịn. Nhưng chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền của chúng tôi trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc tế. Chỉ có điều tại sao các bạn lại cứ kích động nhân dân. Một loạt bài của báo Hoàn Cầu chống đối Việt Nam, lại bảo sẽ tấn công Việt Nam, với vũ khí đặt ở Hoàng Sa, Trường Sa có thể san phẳng T.P Hồ Chí Minh chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ. Đáng tiếc đây lại là Phụ trương báo chính thống của ĐCS Trung Quốc thì không thể chấp nhận được”.
“À, đấy chỉ là báo thị trường”.
“Báo Nhân Dân của chúng tôi cũng có nhiều phụ trương là báo thị trường, như “Ngày Nay”, “Nhân Dân cuối tháng”, đều là báo thị trường cả, nhưng chúng tôi có bao giờ nói Trung Quốc như vậy đâu”.
Đấy Trung Quốc là thế đó. Họ có thể trang bị vũ khí cho dân rồi đưa hàng vạn tàu cá ra Biển Đông hay dùng báo chí kích động, nếu phản ứng, lại bảo đấy là chuyện của cơ sở, chuyện thị trường, rằng: “Chúng tôi không thể kiểm soát hết được”.
Điều đặc biệt thú vị, là trong lúc Trung Quốc cho cơ quan cấp Bộ ngang nhiên đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá rất ngang ngược trên Biển Đông, thì ngay tại Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ, một công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam thì chúng ta đã làm, nhiều người đã làm, nhưng điều đặc biệt là công trình nghiên cứu khoa học chấn động thế giới này lại lấy chính tư liệu của Trung Quốc đập lại hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Cảm ơn ký giả Trần Phước Đạt ở Bloomington, MN Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã thông tin và dịch lại cho chúng ta biết công trình đặc biệt có giá trị này.
Cũng theo Trần Phước Đạt, trong nội bộ Trung Quốc cũng bắt đầu có sự phân tán rất mạnh, sau khi chàng trai du học sinh đưa ra công trình nghiên cứu, ngay chính tài liệu của Trung Quốc cũng đã chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Rất nhiều bản đồ cổ của chính nước Trung Hoa chỉ ra rằng: Cực Nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam.
Đó là điều không thể chối cãi. Cùng với công trình đó, có tới trên 50 bản đồ Hoàng Sa và 170 bản đồ cổ Trung Quốc, cùng 4 bộ sách Atlas được chàng trai sưu tầm. Và công trình nghiên cứu của anh vừa được công bố tại Đại học Yale.
Chàng trai nghiên cứu sinh Trần Thắng và công trình của anh đã làm cho bất cứ ai tham gia hội thảo cũng phải thán phục. Trong đó có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ đến từ Trung Quốc đại lục cũng phải ngả mũ.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia người Australia nghiên cứu các vấn đề về Biển Đông, cũng nhận xét bộ sưu tập và công trình khoa học của Trần Thắng sẽ chỉ ra điểm mẫu thuẫn lớn trong tuyên bố: "Chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam).
Đúng là một đòn giáng trả thú vị.
Trần Đăng Khoa