Máy bay trinh sát không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ ngày 20-6.

Tổng thống Mỹ - Donald Trump quyết định dừng tấn công Iran chỉ 10 phút trước khi kế hoạch được thực thi. Tin này được loan ra sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ ngày 20-6, đẩy mâu thuẫn giữa hai quốc gia lên cao bằng những đòn cân não liên tiếp.

Bóng ma chiến tranh đã lù lù hiện ra ở Trung Đông nhưng không dễ gì một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra ở khu vực này cho dù Mỹ và Iran liên tục tung đòn nhằm thử thách ý chí và sức mạnh của nhau bởi hai bên vẫn có lợi nhiều hơn nếu duy trì được hòa bình.

Dù bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ nhưng Iran đã biết kiềm chế khi không bắn tiếp một chiếc máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ bay gần đó. Mỹ có thể chấp nhận thiệt hại về phương tiện kỹ thuật nhưng nếu có thiệt hại về người thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ đã ra lệnh dừng tấn công có chọn lọc chỉ 10 phút trước khi mệnh lệnh được thực thi. Dù lấy lý do dừng lệnh tấn công vì để tránh khoảng 150 người Iran thiệt mạng nhưng đây cũng là sự kiềm chế của phía Mỹ.

Đó là những đòn cân não gần nhất mà hai bên nhằm vào nhau. Sự kiềm chế cũng đã có nhưng không phải vì thế mà căng thẳng được hạ nhiệt. Vụ việc trên xảy ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi Mỹ công bố kế hoạch gửi thêm 1.000 quân tới Trung Đông và điều tàu khu trục USS Mason tới Vùng Vịnh ngay sau cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nước ngoài tại vịnh Oman ngày 14-6, cáo buộc mà Tehran khẳng định là vô căn cứ và là một phần của "ngoại giao phá hoại" đang được Mỹ áp dụng đối với quốc gia Hồi giáo.

Căng thẳng chưa được hạ nhiệt bởi nhiều nút thắt trong quan hệ của Mỹ với nhiều nước trong khu vực, nhất là Iran. Lấy lý do nguy cơ mất an ninh từ Iran, chính quyền của ông Donald Trump đã “lách luật” để bán vũ khí trị giá lên tới hơn 8 tỷ USD cho các nước đồng minh Trung Đông. Quan trọng hơn, Tổng thống Donald Trump muốn ép Iran đàm phán về việc phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo là điều mà Iran không muốn. Hơn nữa, Iran khó có thể chấp nhận đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới theo các điều kiện Mỹ nêu ra. Nước này đang rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) để gây sức ép đối với Liên minh châu Âu và các nước có lợi ích tại Trung Đông gia tăng nỗ lực tác động Mỹ thay đổi chính sách cứng rắn với Tehran. Đây cũng có thể là lá bài mặc cả của Iran trước khi ngồi vào bàn đàm phán, mà khi đó nhượng bộ của Tehran chính là khôi phục nguyên trạng JCPOA.

Có được một cuộc đàm phán Iran - Mỹ là một điều cực khó nếu hai bên không có nhượng bộ. Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran từ ngày 24-6, thay vì phát động một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào quốc gia Hồi giáo. Ngược lại, Iran sẽ tìm cách phá vỡ thế bao vây cấm vận này. Đó sẽ là một thực tế bởi  một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran có nguy cơ dẫn tới Tehran trả đũa, có khả năng gây ra xung đột quy mô lớn trên phạm vi khu vực. Khi đó, lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực chắc chắn bị ảnh hưởng và Mỹ có thể bị sa lầy vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Quan trọng hơn, một khi Trung Đông rơi vào khủng hoảng thì giá dầu thô sẽ tăng, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Trước tình hình này, việc hai bên tiếp tục tung những đòn cân não để thách thức nhau trong thời gian tới sẽ là một điều hiển nhiên. Việc này tuy không có lợi cho sự ổn định của khu vực và thế giới nhưng dù sao nó vẫn tốt hơn nếu không dẫn tới chiến tranh.

 Ngọc Hưng