Đờn ca tài tử, sức sống nông thôn miền Tây
Phong trào đờn ca tài tử gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ.
Đã hơn 1 thế kỷ nay, đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ đã gắn bó với người miền Nam như một nét văn hóa đặc sắc. Ở nông thôn, hầu như ai cũng biết vài ba câu vọng cổ, cải lương. Ở nhiều thôn, ấp, chẳng ai bảo ai, cũng rủ nhau thành lập các nhóm ĐCTT để “giúp vui” cho thôn, ấp hay đơn giản chỉ là để giải khát “cơn ghiền” đờn ca cho riêng mình.
Sức sống mãnh liệt của nghệ thuật ĐCTT
ĐCTT thể hiện tính cách phóng khoáng và nếp sống sông nước miệt vườn của con người Nam Bộ, vì thế đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày hội, dịp vui của đồng bào.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, nghệ nhân Ưu tú Nhâm Hùng: “ĐCTT có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ gói gọn trong một địa bàn, địa phương hay một vài tỉnh, thành phố mà có mặt hầu hết các tỉnh, thành khu vực phía Nam… Sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng văn hóa rộng, giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhằm lẫn với bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác chính là lý do thuyết phục nhất để lựa chọn ĐCTT là một trong những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Nam Bộ”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Nam Bộ hiện có 21 tỉnh, thành có nghệ thuật ĐCTT, hình thành trên 2.000 câu lạc bộ, có gần 3.000 nhạc cụ đang sử dụng trong các CLB với gần 23.000 thành viên tài tử tham gia. Phong trào phát triển khá mạnh ở các tỉnh, thành như Bình Dương, T.P Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… Nhiều địa phương có 100% xã, ấp, khu dân cư đều hình thành CLB ĐCTT gắn với các khu văn hóa gia đình, nhà chùa nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giao lưu văn nghệ có lễ, giỗ hoặc sau những ngày lao động vất vả.
Ông Dương Hoàng Giang - Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “ÐCTT là món ăn tinh thần của người dân Nam Bộ từ thời xưa và lưu truyền cho đến tận bây giờ. Dựa trên những bài bản tài tử, người đam mê có thể sáng tạo thêm những lời ca mới, phù hợp với xu thế hiện nay. Ðây là cách để ÐCTT sống mãi trong lòng người mộ điệu và truyền lửa cho các thế hệ mai sau.
Thời gian gần đây, về Cần Thơ hay các tỉnh vùng sông nước Nam Bộ, du khách dễ dàng bắt gặp đó đây trên dòng sông, trên ghe khách thương hồ, bên rặng dừa nước, trong vườn cây trái sum suê, hoặc trong khung cảnh đồng lúa mênh mông hình ảnh các lão nông lai rai bên ly xị đế với vài cây đờn, bộ âm ly và hai micro gọn nhẹ là có thể ngân nga vài câu vọng cổ, cất lên đôi giọng điệu ai, oán.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu… đã khai thác loại hình nghệ thuật ĐCTT như một sản phẩm du lịch độc đáo, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của du khách trong và ngoài nước. Việc kết hợp du lịch sinh thái, nhà vườn, nghe ĐCTT đã tạo nên một giá trị riêng.
Chúng tôi về huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, nơi đang phát triển du lịch sinh thái miệt vườn rất mạnh, loại hình nghệ thuật ĐCTT theo đó cũng nở rộ khắp nơi, trở thành món hấp dẫn nhất trong “thực đơn văn hóa” vì có khả năng gọi mời du khách rất hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Liền (Năm Liền), chủ quán văn nghệ đờn ca tài từ Vàm Xáng (xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền), nét mặt rất tâm đắc nói: “Dù trình diễn trong bất cứ hoàn cảnh nào thì bộ môn nghệ thuật ĐCTT vẫn được sự yêu mến, thích thú của mọi người, đặc biệt là du khách nước ngoài. Họ khẳng định ĐCTT là tài sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu, không chỉ của miền Tây Nam Bộ mà của Việt Nam”.
Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel Cần Thơ khẳng định: “…Thông thường, khách du lịch được thưởng thức ĐCTT trong bữa ăn, sau đó giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Trong tour đưa khách về miền Tây, ĐCTT còn được biểu diễn thêm 1 hoặc 2 lần vào buổi tối trên các du thuyền, nhà người dân kết hợp các hoạt động khác để “kéo dài chuyến đi” của du khách. Khách nước ngoài rất hứng thú tìm hiểu văn hóa, lịch sử về chiều sâu hơn là nhu cầu nghỉ dưỡng để mở mang kiến thức, kể cả trong dịch vụ ăn uống, giải trí”.
Bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam Bộ
Mặc dù đã có rất nhiều loại hình âm nhạc hiện đại du nhập vào Việt Nam, đến hôm nay, ĐCTT vẫn chứng minh được sức sống bền bỉ của mình, nhờ vào sự thích nghi, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để phát triển, nhưng không “hòa tan” mà kiên cường giữ gìn bản sắc riêng có của mình.
Soạn giả Trần Minh Lý - Giám Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Ngày nay, khán giả mộ điệu có thể tiếp cận những giai điệu ĐCTT thông qua các sân khấu nghệ thuật trình diễn trước công chúng, hoặc nghe qua các phương tiện truyền thông như tivi, radio... Bên cạnh đó, các công ty du lịch cũng thường xuyên tổ chức các hành trình đưa du khách về chốn miệt vườn ĐBSCL, vừa thăm thú vườn trái cây trĩu quả ngọt lành, vừa trải lòng thưởng thức những câu ca tài tử. Từ đó, nghệ thuật ĐCTT càng được quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Cần có nhiều những sân chơi ĐCTT trên sóng truyền hình, những ứng dụng thông minh về ĐCTT trên smartphone, các diễn đàn trao đổi giữa những con người làm văn hóa, nghệ thuật để ĐCTT gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là giới trẻ”.
Đã hơn 300 năm kể từ ngày ĐCTT manh nha xuất hiện ở Nam Bộ, vậy mà cái sức sống tiềm tàng nhưng mãnh liệt của nó vẫn còn tồn tại và phát triển đầy hứa hẹn. Sự biến đổi thăng trầm của thời gian làm các hình thức sinh hoạt thay đổi, tuy nhiên cái “hồn cốt” như vẫn còn đó, vẫn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đời sống cư dân nơi đây, kể cả một lớp người trẻ, lớn lên trong tiếng đờn, điệu hát xàng xê vọng cổ!
Phương Nghi