Đón bằng di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” (14/04/2013)

Dự lễ tôn vinh có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ban ngành, tỉnh thành trong cả nước; các cơ quan, tổ chức quốc tế gồm đại diện Ban Thư ký của UNESCO, đại diện 25 nước trong Ủy ban liên Chính phủ thực hiện công ước của UNESCO; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và đông đảo quần chúng nhân dân.

Buổi lễ được tổ chức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm giới thiệu và tôn vinh những giá trị to lớn của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đến bạn bè trong và ngoài nước; đồng thời cũng khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt.

Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao đồng bào các dân tộc trên vùng đất Phú Thọ đã có những cống hiến to lớn để cùng với nhân dân cả nước gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Chủ tịch nước nhấn mạnh từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “con Lạc-cháu Hồng.”

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Chủ tịch nước cho rằng thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.

Chủ tịch nước khẳng định khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm nay có thêm niềm vui, niềm vinh dự, tự hào to lớn là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của nhân dân ta được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lòng biết ơn, tôn kính đối với tổ tiên, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta được công nhận là di sản có giá trị mang tính toàn cầu, là sự đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại.

Những giá trị to lớn ấy cũng đặt ra cho Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và đồng bào các dân tộc Phú Thọ trách nhiệm to lớn, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa giá trị của di sản vô giá này, góp phần xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại buổi lễ, sau lễ trao bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của đại diện UNESCO cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã đề nghị các bộ ngành cùng chung tay góp sức nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị của “Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương,” nâng cấp đổi mới công tác quản lý di sản ở khu di tích đền Hùng.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ có 181 di tích thờ Hùng Vương và trên cả nước có 1.471 nơi thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh của các Vua Hùng.

Từ ngàn đời nay, thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước...

Qua phân tích những di tích khảo cổ từ thời đại Hùng Vương đã chứng minh cội rễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ thời đại các Vua Hùng, bởi nếu không có thời đại Hùng Vương thì không có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Khu di tích lịch sử đền Hùng chính là nơi gốc thờ tự các Vua Hùng của cả dân tộc Việt và đây cũng là nguồn gốc của tục thờ Tổ tiên của từng gia đình, dòng họ người Việt Nam.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước,” tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của di sản.

Cụ thể tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Di sản văn hóa để nâng cao ý thức pháp luật về di sản văn hóa cho toàn thể cộng đồng, nâng cao vai trò giám sát của nhân dân trong việc ngăn chặn, giải quyết triệt để các vi phạm di tích.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng quê trên địa bàn; lập danh sách những người thực hành tín ngưỡng thờ các vua Hùng ở các làng xã thuộc tỉnh Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng, các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… ở nước ngoài để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ...

Phối hợp với Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Phổ thông, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học.

Theo Vietnam+

(TH)