Vào một ngày cuối thu năm 1967, Bảy Ước đang cùng đồng đội ở Trung đoàn Đặc công kiên cường bám trụ nơi chiến trường Rừng Sác thì nhận được tin báo: "R" (Trung ương Cục miền Nam) quyết định bổ sung một nữ quân y cho Đoàn 10, hiện đang trên đường cùng giao liên xuống vùng ven". Như có linh tính mách bảo. Trung đoàn trưởng Ước hồi hộp, thấp thỏm, chờ mong. Mấy ngày sau, nữ y sĩ tóc ngắn ngang vai, nước da tái mét vì sốt rét rừng, vai mang ba lô có mặt tại Sở chỉ huy Đoàn 10. Hai vợ chồng, hai người đồng chí ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi, nước mắt lưng tròng vui ngày gặp lại...
Mặc dù hai vợ chồng cùng đơn vị, nhưng mỗi người một nhiệm vụ nên họ rất ít được gặp nhau. Trong khu rừng ngập mặn, ngoài bom đạn của kẻ thù làm bộ đội thương vong, còn có cả hùm, beo, đặc biệt là cá sấu. Tính mạng của những người lính đặc công bị đe dọa bất cứ lúc nào. Bởi vậy, chị Tư Mến luôn phải lặn lội từ tiền phương về hậu cứ rồi lại thức trắng đêm câu cá nuôi thương binh hoặc đột kích vào ấp chiến lược lấy gạo về nấu cơm cho bộ đội… Có lẽ vì thế mà cả trung đoàn đều coi chị Tư là “cô Tấm” của Đoàn, còn anh Bảy là “linh hồn” của Rừng Sác.
Cuối năm 1969, chiến tranh ngày càng ác liệt, Rừng Sác như một “chảo lửa” hứng chịu mưa bom bão đạn của quân thù nhằm tận diệt những con người huyền thoại. Thời gian đó, chị Tư Mến sinh đứa con thứ 3. Lại một lần nữa vợ chồng chị bàn nhau đem con gửi ở gia đình một cơ sở của ta trong ấp chiến lược để chị thuận tiện làm nhiệm vụ. Thế là đứa bé mới 15 ngày tuổi đã phải xa mẹ đi ở nhờ, khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Hai vợ chồng chiến sĩ nén lòng động viên nhau chiến đấu quên mình với ước nguyện chiến tranh mau kết thúc. Nào ngờ, chưa đầy 3 tháng sau người vợ đã anh dũng hy sinh trong một trận máy bay địch oanh kích…
Hơn 40 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhớ lại cái ngày thương tâm ấy, đôi mắt người Anh hùng vẫn rưng rưng, hoe đỏ: “Hôm đó là ngày 20-1-1970, tại căn cứ quân y ở xã Tắc Kỳ Quang bên bờ sông Thị Vải, chiếc trực thăng OV-6 rà qua, rà lại nhiều lần. Phát hiện dấu vết lạ, nó ném xuống mặt sình 2 quả pháo màu xanh, đỏ để chỉ điểm rồi bay vút đi. Lúc bấy giờ với cương vị Đại đội phó quân y, Tư Mến thông báo nhanh cho các thương binh rút khỏi khu vực, còn một mình cô cố thu dọn mang theo một ít thuốc và dụng cụ quân y. Chừng 3 phút sau, cả chục chiếc trực thăng lao tới phóng hỏa tiễn 90mm xé nát từng tấc đất trong khu căn cứ. Vợ tôi trúng đạn gãy nát một chân, tư thế nằm sấp đang lao về phía trước, trên vai vẫn mang nặng trĩu túi cứu thương…”.
Rừng Sác bây giờ đã đổi thay, dấu vết chiến tranh đã mờ nhạt cùng thời gian, nhưng với những người đã gắn bó gần hết cuộc đời nơi rừng thiêng nước độc này như Đại tá Lê Bá Ước, thì tất cả vẫn vẹn nguyên…
Hoàng Thành