Đội tuyển xe tăng Việt Nam thi đấu tại ARMY GAME 2019: Nỗ lực giành vị trí Á quân
Xe tăng đội tuyển Việt Nam thực hành vượt vật cản tại ARMY GAME 2019.
Ngày 15-8, đội tuyển xe tăng Việt Nam đã lọt vào chung kết cuộc thi Tank Biathlon ngay lần thứ hai tham dự Hội thao quân sự quốc tế (ARMY GAME) tại thao trường Albino ở ngoại ô Mát-xcơ-va của Nga. Kết quả, đội Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai sau đội Uzbekistan. Đây là thành tích xuất sắc của đội tuyển, của bộ đội Tăng - Thiết giáp Việt Nam nói riêng và của QĐND Việt Nam khi tham dự một cuộc hội thao quân sự quốc tế. PV Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại tá Phan Hải Long - Phó tham mưu trưởng Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Trưởng đoàn xe tăng Việt Nam tại Hội thao; Đại úy Nguyễn Kiều Hưng - Trưởng xe và Thiếu úy Hoàng Mạnh Tuấn - nhân viên lái xe, ngay khi đội tuyển mới về nước. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
PV: Đồng chí cho biết khái quát về mục đích và công tác chuẩn bị của đội tuyển xe tăng tại ARMY GAME năm nay?
Đại tá Phan Hải Long: Cũng như các đội tuyển khác của Việt Nam tham dự ARMY GAME 2019, đội tuyển xe tăng tham gia thi đấu trước hết là để giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa quân đội cũng như lực lượng xe tăng các nước. Năm nay, đội tuyển Tăng còn đặt mục tiêu đạt thành tích cao hơn năm trước. Ngay sau khi thành lập vào tháng 5-2019, đội tuyển đã khẩn trương tổ chức luyện tập, nâng cao chất lượng huấn luyện. Năm nay, đội đã được quan tâm đầu tư, được huấn luyện bài bản và có chất lượng cao hơn.
PV: Lần thi đấu này, chúng ta phải thực hành trên loại xe tăng T-72B3, vậy dòng xe này có điểm gì khác biệt so với các loại xe tăng trong nước của chúng ta?
Đại úy Nguyễn Kiều Hưng: Xe tăng T-72B3 của LB Nga sản xuất. So với T54 và T55 chúng ta đang sử dụng về công suất của động cơ là lớn hơn. Còn về hệ thống vũ khí có hai phần tách biệt: một là hệ thống nạp đạn hoàn toàn tự động và hệ thống máy tính đường đạn. Khi bắn, tất cả các thông số để tính toán phần tử bắn ban đầu đều dựa trên máy tính và các cảm biến lắp đặt ở trên xe, chứ không liên quan đến phần cơ khí tính toán theo công thức như xe T54 và T55.
PV: LB Nga là đất nước nằm ở châu Âu, điều kiện thời tiết, khí hậu khác chúng ta rất nhiều, đã ảnh hưởng như thế nào tới quá trình thi đấu của kíp xe, thưa Đại úy?
Đại úy Nguyễn Kiều Hưng: Điều kiện khí hậu, thời tiết khác với chúng ta đã ảnh hưởng rất nhiều đến luyện tập, thi đấu. Đặc biệt là trong phát huy hỏa lực của các loại vũ khí trên xe tăng. Vì cần phải có trường nhìn tốt thì mới có thể tiêu diệt được mục tiêu. Do thời tiết chi phối nên thời gian luyện tập của đội tuyển cũng bị giảm đi rất nhiều. Trong quá trình thi đấu, chúng ta dính vào hai ngày mưa, tuy mưa không lớn nhưng vẫn tăng lực cản trên đường đua. Vì vậy, có một vài buổi đua của chúng ta, tốc độ không thể đạt lên tới 73 đến 74km trên giờ.
PV: Tuy khó khăn là vậy, nhưng qua theo dõi chúng tôi thấy có những lúc, xe tăng của chúng ta đã đạt tới vận tốc 74 km/giờ. Đây là tốc độ rất ấn tượng. Đồng chí đã làm thế nào để xe tăng của đội mình có thể đạt đến tốc độ như vậy?
Thiếu úy Hoàng Mạnh Tuấn: Khi đợi lệnh của chỉ huy để xuất phát đồng đều bốn kíp xe, tôi vào số trước. Khi được lệnh xuất phát thì nhanh chóng tăng tốc độ để vượt qua các vật cản đầu tiên như là cầu vẹt bằng. Tiếp đó, phải nhanh chóng biến số lợi dụng vào quán tính của xe để vọt lên các vật cản tiếp theo.
PV: Vậy đồng chí làm thế nào để điều khiển xe vừa chạy, vừa bắn trúng mục tiêu?
Thiếu úy Hoàng Mạnh Tuấn: Để vừa chạy vừa cho xe vừa bắn được thì giữa tôi và đồng chí pháo thủ đã hiệp đồng với nhau rất chặt chẽ, nhịp nhàng. Có như vậy đồng chí pháo thủ mới có thể là phát huy được hỏa lực.
PV: Trong quá trình thi đấu, xe tăng của chúng ta đã gặp phải một số lỗi kỹ thuật. Là người trực tiếp chỉ huy kíp xe, những lúc như vậy, đồng chí đã chỉ đạo bộ đội như thế nào để họ không bị lúng túng?
Đại tá Phan Hải Long: Trước khi thi đấu, chỉ huy đội đã triển khai kế hoạch hiệp đồng với từng kịp xe và từng thành viên. Bảo đảm tốt thông tin liên lạc giữa sở chỉ huy với kíp xe và hiệp đồng nội bộ giữa các thành viên. Khi có tình huống hỏng hóc đồng chí trưởng xe phải báo cáo người chỉ huy và tuyệt đối tuân thủ theo mệnh lệnh của người chỉ huy. Mỗi khi có tình huống hỏng hóc xảy ra, chúng tôi đã chỉ đạo kịp thời để kíp xe thay đổi chiến thuật, sao cho đạt được mục tiêu của chúng ta.
PV: Trong buồng lái là vậy, còn ngoài buồng lái lúc đó, cùng các đồng chí, đồng đội, còn có những người Việt Nam đã đến cổ vũ rất đông. Đồng chí nghĩ sao về sự nhiệt thành đó?
Đại úy Nguyễn Kiều Hưng: Được chứng kiến rất nhiều khán giả Việt Nam - những người đang sinh sống, học tập, công tác tại LB Nga và cả những người Nga đến cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam, tất cả mọi người trong đội tuyển đều cảm thấy rất xúc động, gần gũi, tự tin hơn rất nhiều.
PV: Khi về tới đích, hình ảnh đầu tiên là các đồng chí mở nắp ca-bin xe tăng và giương cao lá cờ Tổ quốc, đồng chí có thể chia sẻ về hành động mang tính biểu tượng rất đẹp đó?
Đại úy Nguyễn Kiều Hưng: Hình ảnh lá cờ Tổ quốc rất đẹp, rất thiêng liêng và ý nghĩa. Khi thi đấu, chúng tôi đều đặt màu cờ sắc áo lên trên tất cả để vượt mọi khó khăn, quyết đạt mục tiêu chiến thắng. Mỗi khi kết thúc một vòng đua, chúng tôi thường giương cao lá cờ thể hiện niềm tự hào, sự kiêu hãnh của mình. Qua đó, chúng tôi cũng muốn gửi đến bạn bè quốc tế hình ảnh của người chiến sĩ QĐND Việt Nam.
PV: Từ thành tích cao đã đạt được tại ARMY GAME 2019, Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã rút ra những kinh nghiệm gì để vận dụng vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong thời gian tiếp theo?
Đại tá Phan Hải Long: Từ kết quả của hội thao, chúng tôi sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và đưa vào trong huấn luyện những năm tiếp theo để phát huy được sức mạnh của xe tăng thực sự là lực lượng đột kích. Trên cơ sở những kiến thức, kinh nghiệm trong hội thao sẽ phổ biến cho các đơn vị tăng thiết giáp trong toàn quân tổ chức huấn luyện để đạt kết quả cao hơn.
PV: Xin cảm ơn các đồng chí!
Trần Thanh Tuấn thực hiện