Đối thoại với hộ nghèo: Mang hơi thở cuộc sống vào chính sách giảm nghèo bền vững
Buổi đối thoại trực tiếp với 300 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Để góp phần đưa các chính sách mới đến với người nghèo, từ đó phát huy tối đa hiệu quả, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo, hoạt động đối thoại chính sách giảm nghèo được xác định là con đường ngắn nhất đưa chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của địa phương đến với người nghèo. Những buổi tiếp xúc, đối thoại còn là cơ hội để các ngành chức năng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, được chia sẻ những mô hình phát triển kinh tế phù hợp... thêm động lực, nguồn lực cho người nghèo vươn lên.
Với mục đích giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hiểu rõ hơn các chính sách mà mình đang thụ hưởng cũng như tính ưu việt của các chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mặt khác giúp cho các cơ quan cung cấp dịch vụ, chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo để từ đó đề xuất điều chỉnh chính sách và thực hiện chính sách được hiệu quả hơn.
Tại các buổi đối thoại, đại diện các cơ quan chức năng thông tin về các chủ trương, chính sách về giảm nghèo như: Chính sách thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục đối với hộ nghèo, cận nghèo... Tại đây, người dân trình bày tâm tư, nguyện vọng và trực tiếp đặt câu hỏi với các nội dung liên quan trong quá trình thụ hưởng các chính sách giảm nghèo; các chính sách về vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; các chính sách hỗ trợ về mua bán và sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nghề; kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa... Trên cơ sở đó, đại diện các cơ quan chức năng trả lời cụ thể từng nội dung ý kiến một cách thỏa đáng, đáp ứng sự mong đợi, quan tâm của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về các chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Cũng tại đây, ý kiến của người dân dù lớn, dù nhỏ đều được lắng nghe, ghi nhận và giải quyết, trở thành diễn đàn để người dân trực tiếp nói lên tiếng nói của mình đối với chính quyền địa phương; là cơ hội để lãnh đạo thị trấn, các ngành chức năng lắng nghe; từ đó có điều chỉnh, điều hành kịp thời. Qua đối thoại, các ngành, đoàn thể thị trấn cũng nắm bắt cụ thể điều kiện hoàn cảnh, mong muốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, những khó khăn trong tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, người nghèo, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Đồng chí Dương Bằng Giang - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... qua đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp, đúng trọng tâm, trọng điểm. Cũng từ những buổi tiếp xúc này, các ngành chức năng nắm bắt được những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Từ đó, có những kiến nghị với cơ quan cấp trên có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp”.
Chị Phạm Thị Phượng, ở xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thuộc diện hộ nghèo. Chồng bị tai biến, mất khả năng lao động từ 3 năm nay, gánh nặng mưu sinh đặt lên vai chị Phượng. Nỗ lực lắm, nhưng chị Phượng cũng chưa thể thoát khỏi diện hộ nghèo. Chị Phượng chia sẻ: “Tôi mong muốn được nghe giải đáp về chế độ chính sách cho chồng tôi. Qua giải thích của ngành chức năng, chồng tôi thuộc diện được hưởng trợ cấp bảo trợ hằng tháng. Tôi rất phấn khởi. Đặc biệt, tôi còn được hướng dẫn tận tình, cụ thể các thủ tục cần thiết để chồng tôi sớm được thụ hưởng chính sách này của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Khoản tiền hỗ trợ mỗi tháng sẽ phần nào nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình tôi. Bản thân tôi cũng được tiếp thêm sức mạnh, vượt lên mọi thách thức của cuộc sống”.
Đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với người nghèo, cận nghèo là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có liên quan để tìm ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người nghèo, thực sự tạo được "đòn bẩy" giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Mang hơi thở của cuộc sống vào quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo sẽ góp phần giữ vững thành tích của chương trình giảm nghèo, xứng đáng với sự ghi nhận của quốc tế: Việt Nam là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Hồ Thanh Hương