Đối thoại thay đối đầu
Ba ngày tới bốn nước là một lịch trình căng thẳng và nhiệm vụ chính trong chuyến đi của ông Pompeo vẫn xoay quanh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và các nội dung liên quan.
Dù quan hệ giữa hai miền Triều Tiên hay giữa Triều Tiên và Mỹ có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Toyko vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sáng 6-10, khi ông Pompeo đến Nhật Bản thì cũng là lúc bài xã luận của hãng thống tấn Triều Tiên KCNA tuyên bố: "Nhật Bản là thế lực nguy hiểm nhất đe dọa hòa bình và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương". Đây là tuyên bố gây sức ép cho cả Mỹ và Nhật Bản vì Tokyo đặt vấn đề Triều Tiên bắt cóc con tin Nhật Bản trong chiến tranh là điều kiện hàng đầu để có thể đối thoại với Bình Nhưỡng và ngược lại Bình Nhưỡng cảm thấy bất an trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Tokyo.
Mối quan ngại trên có vẻ đã có hướng giải quyết khi chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ tư của ông Pompeo có những kết quả tốt. Sau cuộc gặp kéo dài hai giờ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hai bên đưa ra những tuyên bố tuy ngắn nhưng rất lạc quan.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ông đã có "các cuộc trao đổi mang tính xây dựng và tốt đẹp" với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến thăm lần thứ 4 tới Bình Nhưỡng. Hai bên đã nhất trí sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian sớm nhất có thể và cũng đã nhất trí thành lập một nhóm công tác phụ trách thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa và cuộc gặp thượng đỉnh trên.
Có thể thấy, với sự kết nối của Hàn Quốc, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Từ việc các bên đưa ra những tuyên bố mang tính răn đe, những điều kiện thúc ép nhau tới việc đối thoại thường xuyên, nhượng bộ nhau để từng bước giải quyết vấn đề.
Một yếu tố quan trọng tác động tới tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là Trung Quốc. Tuy cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đang nóng lên thì chuyến thăm Bắc Kinh ngắn ngủi của ông Pompeo hôm 8-10 cũng không đặt trọng tâm vào chủ đề này mà ông chỉ cần Bắc Kinh tái khẳng định cam kết trước đó của mình với vấn đề Triều Tiên.
Chuyến công du không những đạt thêm một bước đi tích cực mà còn mở đường cho những đột phá mới khi cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai được tổ chức.
Nguyễn Ngọc