Đối thoại gỡ khó cho Doanh nghiệp
Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh thẳng thắn nói;
“Ai sách nhiễu, làm khó cho doanh nghiệp thì các đồng chí nhắn tin cho tôi, tôi đảm bảo thông tin sẽ được bảo mật tuyệt đối”, đồng thời Chủ tịch tỉnh công bố số điện thoại của mình để các doanh nghiệp tiện liên hệ trao đổi.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh mong muốn từ nay trở đi sẽ nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn của các DN liên quan đến những khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp, đặc biệt là những vướng mắc do cơ chế, chính sách, những khó khăn khi tiếp cận, làm việc với các đơn vị, sở ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, trong bảy tháng đầu năm, Hà Tĩnh có 520 DN thành lập mới, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2015. Cơ cấu ngành nghề chuyển biến tích cực, DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 183% về số lượng, 522 % vốn đăng ký, tỷ trọng DN xây dựng trong ngành CN-XD giảm 19%. Sau 1 năm thi hành Luật DN, tỉnh đã có 902 DN thành lập mới, tăng 39% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh có 72 DN làm thủ tục giải thể, 82 DN tạm dừng hoạt động. Tỷ lệ DN có lãi giảm qua các năm, thu ngân sách từ DN thấp so với kế hoạch, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tồn kho khoáng sản lớn, hộ kinh doanh nhà hàng khách sạn, du lịch, hải sản bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển.
Trước tinh thần cởi mở của Chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh, đại diện các DN đã mạnh dạn, thẳng thắn kiến nghị, đề xuất những bất cập, tồn tại, vướng mắc gặp phải trong thời gian qua.
Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hiệp hội DN huyện Hương Khê đã nhấn mạnh: Tình trạng “tham nhũng chính sách”, lợi dụng văn bản, quy định dù đã được bãi bỏ nhưng một số cơ quan nhà nước vẫn lợi dụng văn bản đó để “hoạnh” DN, gây khó dễ trong quá trình đầu tư của DN.
Ông Đạt đề nghị tỉnh có chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với DN sản xuất và xây dựng, bởi các công ty này sẽ tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động cho người dân địa phương, nên khuyến khích người tại địa phương mở công ty. Đối với những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, nhiều DN hàng năm không phát sinh thuế, thì cần giải thể.
Tại buổi đối thoại, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chế biến xuất khẩu thủy hải sản…đã “kêu trời” vì những khó khăn họ gặp phải sau sự cố môi trường do Formosa gây ra. Ông Nguyễn Văn Thiệu – Hiệp hội du lịch Hà Tĩnh cho biết, sau sự cố biển nhiễm độc, ngành du lịch từ biển Thiên Cầm đến Đèo Con chịu tác động nghiêm trọng. Trên 2,6 nghìn lao động trong ngành chịu ảnh hưởng và thất nghiệp. Các tour, phòng đặt nghỉ lễ bị hủy bỏ từ 70 – 80%. Tại huyện Kỳ Anh, khách đặt phòng nghỉ mùa hè chỉ đạt 30% so với cùng kì năm trước. Tổng thiệt hại của ngành du lịch trong thời gian qua khoảng 6 tỷ đồng.
Đại diện Công ty xuất nhập khẩu Nam Hà Tĩnh cũng nói: “Ngư dân đánh bắt cá về không ai mua, tỉnh khuyến khích chúng tôi hỗ trợ người dân thu mua, khi thu mua xong rồi thì không biết làm thế nào, bán không được, tiêu hủy cũng không xong, cá chứa trong kho mấy tháng nay cũng chẳng thấy các cấp cho ý kiến xử lý”.
Bà Thân Thị Nghị, Giám đốc khách sạn Thiên Ý, Khu du lịch Thiên Cầm phản ánh, năm 2016 này các DN ngành du lịch gặp muôn vàn khó khăn và có một nghịch lý là thuế môi trường năm nay lại cao hơn những năm khác.
Bà Nghị yêu cầu tỉnh trả lời sớm nhất độ an toàn về biển, hải sản để DN có định hướng phát triển, tình trạng như hiện tại sẽ kéo dài đến khi nào, 3-5 năm nữa hay là lâu hơn để DN tìm hướng đi mới.
Sau khi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của DN, ông Đặng Quốc Khánh chia sẻ với những khó khăn mà DN gặp phải. “Trong thời gian qua, Hà Tĩnh gặp sự cố môi trường từ việc Formosa xả thải ra biển, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, DN cần cố gắng phát huy sáng tạo sức mạnh, tập trung ổn định sản xuất kinh doanh để tiếp tục phát triển, giúp tỉnh nhà vượt qua khó khăn”, ông Khánh nói.
Trả lời những thắc mắc của DN về thủ tịch hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các sở, ban, ngành như: Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Giao thông vận tải… khi có kiến nghị liên quan đến các đơn vị thì phải trả lời đầy đủ, rà soát lại xem thực trạng và có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.
Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung vào các khu vực động lực, mũi nhọn. Tăng cường quảng bá đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tư duy quản lý Nhà nước, xem DN là đối tượng phục vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, nhũng nhiều, gây phiền hà cho DN.
Ngoài ra, ông Khánh cũng đề nghị bản thân các DN cũng phải chủ động tái cơ cấu, nỗ lực vươn lên trong thời kỳ hội nhập, có chiến lược kinh doanh dài hạn, chủ động liên kết để nâng quy mô, tầm hoạt động, kết nối các DN, tập đoàn để trở thành đối tác, tham gia phân khúc chuỗi giá trị khu vực công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, là khu vực có tiềm năng phát triển lớn của tỉnh trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi