Đổi thay ở một xã vùng biên
Xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là xã có diện tích đất tự nhiên khá rộng với 8.860ha nhưng dân cư thưa thớt, với trên 800 hộ, khoảng 4.000 khẩu, trong đó, 95% là người dân tộc thiểu số Giẻ Triêng, cư trú ở 11 thôn, bản. Những năm trước, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm tới 40%. Trình độ dân trí thấp, phổ biến tình trạng bệnh tật, ốm đau, tập tục lạc hậu, mo then cúng bái, rượu chè cờ bạc… đã kìm hãm nặng nề sự phát triển kinh tế, xã hội, làm mất ổn định tình hình trật tự an ninh trên địa bàn. Trong số 11 thôn, bản của xã thì Đắk Ba được xem là thôn đứng đầu về những cái…”nhất”: đói nghèo nhất, lạc hậu nhất, trật tự xã hội, trị an phức tạp nhất!
Trước tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền xã Đắk Dục đã chọn Đắk Ba làm điểm để xây dựng làng văn hoá đầu tiên của xã. Xã thành lập BCĐ gồm 6 người do Bí thư đảng ủy làm Trưởng ban, cán bộ tăng cường là bộ đội thuộc Đồn biên phòng 675.
Thời gian đầu bắt tay vào thực hiện, BCĐ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân bảo: “Từ đời ông bà mình đến giờ, không có làng văn hóa, mọi người vẫn cứ sống”. Kẻ xấu lại luôn tung tin hù dọa nếu xây dựng làng văn hóa thì mọi gia đình không được cúng Giàng, cúng mùa; không được đâm trâu, uống rượu; gia đình nào có người ốm đau, thầy cúng không được đến nhà... Bởi thế, khi thôn tổ chức các buổi họp bàn về việc xây dựng làng văn hóa thì có rất nhiều hộ dân không tham gia; họ nêu đủ thứ lý do để vắng mặt. Không nản lòng, các thành viên trong BCĐ kiên trì thay phiên nhau đến từng gia đình động viên, thuyết phục. BCĐ dựa vào những gia đình cán bộ, bộ đội, gia đình chính sách, CCB, người có uy tín trong thôn, những người thân của các thành viên BCĐ chấp thuận đăng ký tham gia trước làm gương, rồi từ đó từng bước vận động bà con làm theo. Chỉ sau một thời gian ngắn vận động được 38/103 hộ dân đăng ký tham gia xây dựng làng văn hóa. Quy ước tạm thời có nội dung rất sát với đời sống của nhân dân cũng mau chóng được xây dựng, bà con dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp; thực hiện ăn chín, uống sôi, tối đi ngủ phải mắc màn; khi đau ốm phải khám bệnh uống thuốc, không nghe theo lời thầy cúng… Bà con tích cực phát cây, giúp nhau rào vườn; chăn nuôi trâu, bò có chuồng trại, có người chăn dắt, không thả rông làm ô nhiễm môi trường, hằng tuần tổ chức dọn vệ sinh..
Nhằm duy trì việc xây dựng làng văn hóa có hiệu quả và thu hút đông đảo gia đình tham gia, BCĐ phối hợp với Ban xóa đói giảm nghèo, Phòng Khuyến nông-lâm của huyện tổ chức các buổi tập huấn, trình diễn, hướng dẫn cho bà con cách thức chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào mùa vụ sao cho hợp lý; tạo điều kiện cho vay vốn để sản xuất.
Kết quả thật đáng khích lệ. Đời sống của đồng bào mau chóng đi vào ổn định và từng bước được nâng lên. Nhiều hộ dân biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó tạo ra những mô hình VAC, VAR, VACR… cho hiệu quả kinh tế khá. Nhà tầng, nhà kiên được xây dựng nhiều. Phần lớn các hộ dân có xe máy, tivi; 100% sử dụng lưới điện quốc gia. Bà con sắm được nhiều phương tiện sản xuất như máy xay xát, máy bơm nước, xe công nông… Các em đến tuổi được cắp sách tới trường, không còn người mù chữ. Phong trào tự quản về trật tự, trị an xã hội đang triển khai có nền nếp và đạt hiệu quả. Trong đó, một nội dung quan trọng là tự quản đường biên mốc giới, lấy chi đoàn thanh niên làm lực lượng xung kích, khoán đến từng hộ gia đình, từng cá nhân được thực hiện một cách nghiêm túc… Bây giờ, về Đắk Ba là về với văn hóa nhà rông, văn hóa cồng chiêng… tất cả đều chỉn chu và ngày càng trở nên phong phú hơn.
Bí thư Đảng ủy xã-Xiêng Lăng Lư bộc bạch: “Nhớ lại những ngày bắt đầu thực hiện cuộc vận động mà thấy nao lòng. Bao khó khăn, phức tạp, bao lời bàn vào bàn ra..”. Nay thì làng Đắk Ba đã khác xưa rất nhiều. Nếu ai đã một lần đặt chân lên mảnh đất này mấy năm về trước, nay trở lại Đắk Ba hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay vượt bậc của một miền quê từng là mảnh đất “xương xẩu” nằm sâu hun hút nơi biên ải. Anh Lư chia sẻ: Muốn cho dân hiểu, dân tin thì những người “cầm cương” phải chịu khó tìm cho được biện pháp, cách thức đột phá, phải hướng cho bà con dần thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách làm.. Và đây chính là bí quyết thành công của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ xã tới thôn, ban, ngành đoàn thể, Đồn biên phòng 675... được người dân tin yêu, ủng hộ đã làm thay đổi một vùng biên ải.
Bài và ảnh: Xuân Phong