Đổi mũ bảo hiểm: Cần nhiều DN “nhập cuộc chơi” (26/03/2013)
Theo nhận định của các đơn vị sản xuất mũ và lãnh đạo các ban ngành chức năng, chương trình đổi mũ bảo hiểm bước đầu đã có sự thành công và là bước đệm cốt lõi để doanh nghiệp lấy lại thị trường.
Ngày hội đổi mũ xịn
Có mặt tại Công viên Thống Nhất, một trong 4 điểm đổi mũ của Công ty cổ phần Á Long với thương hiệu B'color, ngay từ sáng sớm hàng trăm người dân chen chân, xếp hàng dài tại điểm đổi mũ. Trên tay ai ai cũng cầm mũ “rởm” đứng xếp hàng tại quầy đổi mũ.
Chỉ tay vào chiếc mũ bảo hiểm “rởm”, anh Trần Thanh Tùng, phố Khâm Thiên (Hà Nội) cho biết: “Sắp tới, người đi đường sẽ bị xử phạt mũ bảo hiểm ‘rởm' nên khi đọc được thông tin trên báo là tôi đến đổi mũ xịn bởi đằng nào cũng phải mua.”
Theo anh Tùng, chiếc mũ bảo hiểm trước kia anh đội không có lớp xốp bảo vệ bên trong vì thế sẽ không đảm bảo các tiêu chí mà Bộ Giao thông Vận tải đề ra.
“Mũ ‘rởm' bán vỉa hè chỉ có giá 30.000 – 50.000 đồng/chiếc nên giờ mà đến cửa hàng mua mũ cũng phải gấp 6 lần giá như thế. Nay, thương hiệu B'color tiến hành đổi mũ trợ giá cho người dân, mỗi chiếc cũng giảm từ 30.000 – 70.000 đồng nên tôi phải đi đổi ngay để được giảm giá,” anh Tùng thành thật.
Cần nhiều doanh nghiệp nhập cuộc
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, chương trình đổi mũ bảo hiểm bước đầu đã có thành công bởi nhận được sự đồng thuận từ phía người dân tham gia.
“Chương trình đổi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lấy mũ bảo hiểm đạt chuẩn, có trợ giá sẽ được triển khai trong một vài ngày tới và sau 2 tuần sẽ thực hiện tại các trường Đại học, Cao đẳng với đa dạng các hình thức triển khai. Mục tiêu của chương trình nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận được với mũ bảo hiểm từ các nhà sản xuất chính hãng,” ông Hiệp cho hay.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng bày tỏ quan ngại khi sự vào cuộc của các đơn vị sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm vẫn còn quá ít và không thể làm được trong phạm vi cả nước nếu các đơn vị này không tham gia vào ngày hội đổi mũ bảo hiểm.
“Hiện tại, có 3 đơn vị trên tổng số 67 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm tham gia đổi mũ trợ giá cho người dân thì chỉ có thể thực hiện được ở Hà Nội. Tối thiểu phải 30 doanh nghiệp ‘nhập cuộc chơi' hy vọng mới làm được trên toàn quốc,” ông Hiệp nhận định.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng kiến nghị, trước đây, các đơn vị mũ bảo hiểm chỉ sản xuất co cụm, cầm chừng do lượng mũ trôi nổi, không đạt chất lượng hoành hành trên thị trường làm các doanh nghiệp thua lỗ. Khi chương trình này triển khai đạt thành công sẽ là bước đệm để doanh nghiệp lấy lại thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Ngọc-Trưởng phòng Chống hàng giả (Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương), cho biết kết quả một tháng triển khai chiến dịch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm trên thị trường vừa qua bằng cả 3 năm qua.
Dẫn chứng điều này, ông Ngọc tiết lộ, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra hơn 1.000 vụ việc, thu giữ hơn 60.000 mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
“Đã đến lúc lực lượng chức năng cần nghiên cứu xử lý người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn thì mới hiệu quả. Cơ quan chức năng phải được thực hiện đồng bộ, chứ không nên chỉ kiểm tra, xử lý người sản xuất kinh doanh mũ 'rởm',” ông Ngọc nhấn mạnh./.
Theo Vietnam+
(TH)