Đánh giá tại Hội thảo: “Các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu xã hội” trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế do Bộ LĐTBXH vừa tổ chức cho rằng: Tuy có nhiều cải thiện, nhưng lực lượng lao động nước ta chất lượng còn thấp với tỷ lệ lao động phổ thông, không có văn bằng chứng chỉ quá lớn, cơ cấu trình độ của lực lượng lao động hiện tại là hình thang ngược với tỷ lệ lao động có trình độ đại học quá cao. Trước đây, số lượng, tuổi lao động và giá lao động là một trong những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam thì ngày nay, chất lượng lao động mới là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải gấp rút nâng cao chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật trực tiếp chứ không chỉ chú trọng vào việc tăng quy mô đào tạo. Theo Báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, tính đến nay, cả nước có trên 1.400 cơ sở dạy nghề, trong đó có 45 trường được chọn để tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Đồng thời phê duyệt quy hoạch các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế theo đề xuất của các bộ, ngành, địa phương. Các ngành nghề đào tạo đa dạng, hiện có tổng số 910 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp. Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề ngày càng được tăng cường, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về lao động có chất lượng cho các khu công nghiệp, khu kinh tế và các doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề đối với các doanh nghiệp cho thấy, có 80 - 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo. 5 năm qua, đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 400.000 người, khoảng 86% trong tổng số đã có việc làm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước và xuất khẩu lao động. Tại Hội thảo các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Trước yêu cầu mới của CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, lĩnh vực dạy nghề còn nhiều bất cập. Chủ trương hỗ trợ dạy nghề cho người lao động là nhằm giúp họ có thể tăng thu nhập bằng nghề, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống. Song qua thực tế thực hiện, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt chủ trương này, vẫn còn nhiều địa phương có trung tâm hỗ trợ dạy nghề bị bỏ hoang, gây lãng phí. Hơn nữa, chất lượng dạy nghề thấp cũng còn. Mỗi năm, Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chất lượng đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do thiếu đội ngũ giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp. Giáo trình dạy nghề cũng khá nghèo nàn do thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm và tâm huyết biên soạn…
Trước thực trạng này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới, theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra là cần có chính sách hữu hiệu đưa tới sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, với tiến bộ khoa học-công nghệ, với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Để nâng cao chất lượng dạy nghề trong thời gian tới, giải pháp “Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp” và “Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp” là hai giải pháp đột phá. Theo đó, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp, linh hoạt, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; lấy thực hành là chính, thời gian học lý thuyết tối đa 30%, thời gian thực hành từ 70% trở lên... Tổng cục dạy nghề đẩy nhanh việc rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, phân tầng chất lượng đào tạo; tái cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; giao quyền tự chủ cho các nhà trường, khơi dậy tiềm năng, phát huy năng lực của các nhà trường…
Mai Anh