Đổi mới hoạt động tuyến y tế cơ sở

*Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi và tặng quà cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Hát Lừu (Trạm Tấu – Yên Bái).
*
Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật thông tin sức khỏe, bệnh tật của người dân, tập hợp cơ sở dữ liệu thống nhất, khám định kỳ, lập hồ sơ sức khoẻ của từng người dân, chăm sóc, theo dõi, cấp thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là mô hình cần thiết, vì có đến 70-80% dân số sống ở nông thôn. Trạm y tế sẽ là nơi gần nhất, nhanh nhất và tốt nhất để người dân tiếp cận. Với chính sách bảo hiểm y tế, cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị khá đồng bộ, chuyển giao được nhiều kỹ thuật, bước đầu trạm y tế xã/phường đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. Một số trạm y tế xã tại Ba Vì (Hà Nội), Bạc Liêu, Đồng Tháp làm xã hội hóa rất tốt, thu hút 100 người khám/ngày. Mặt khác, thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.

Mô hình này là một trong những giải pháp mà ngành Y tế đang triển khai nhằm đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở. Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII cũng đã đặt ra mục tiêu với Ngành Y tế là phải bảo đảm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”.

Mô hình được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hiện ngành Y tế đang triển khai thí điểm mô hình tích hợp này tại 26 trạm y tế xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành trên cả nước. Mục tiêu là năm 2019, mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số trạm y tế xã, phường, thị trấn theo nguyên lý y học gia đình.

Thu Hiền