Đôi điều suy nghĩ về dạy thêm, học thêm ở bậc tỉêu học (27/08/2009)
Học sinh tiểu học (lớp 1 đến lớp 5) các em ở độ tuổi 6 đến 11 tuổi còn nhỏ, ở tuổi ăn, tuổi chơi và tuổi học. Vậy mà giờ đây các em đang phải “gồng mình” dồn sức cho việc học thêm. Điều này thật quá tải đối với các em.
ở đây chúng tôi không nói tới việc đóng góp tiền học quả là khá nặng đối với các em gia đình lao động nghèo, mà hậu quả trước mắt và lâu dài là tình trạng suy giảm nghiêm trọng chất lượng dạy và học của thầy và trò. Do trường đua nhau dạy thêm, nhà nhà đua nhau cho con đi học thêm, dẫn đến tình trạng thầy dạy không hết chương trình của buổi chính khóa mà để dành cho buổi học thêm hoặc dạy trước giáo trình quy định theo tiết học, ngày học. Kết quả là các em không đi học thêm thì học không đủ chương trình nên không thể nắm bắt bài giảng của thầy ở các giờ tiếp theo, mặc dù trình độ tiếp thu bài giảng của các em không kém. Còn đối với các em được gọi là “học thêm” thì có tình trạng học đối phó, không tập trung trong giờ chính khóa, vì thầy đã giảng trước ở buổi học thêm rồi. Đối với trò thì vậy, còn đối với thầy, do mải mê dạy thêm để tăng thu nhập, ngày hai buổi, sáng chiều, thậm chí có thầy tối về dạy tiếp ca ba; cho nên thầy cũng căng thẳng, còn đâu thời gian soạn giáo án, chỉnh lý, bổ sung bài giảng, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, hoặc đơn giản là kiểm tra bài làm, bài viết của trò để uốn nắn kỹ càng bài làm, bài viết cho trò. Qua kiểm tra các bài thầy chấm điểm, chúng tôi không khỏi lo ngại vì hình như là thầy “lấy lòng” các bậc cha mẹ có con em học thêm chứ chưa phải là đánh giá chính xác chất lượng học của trò.
Đối với các cháu ở bậc tiểu học, theo chúng tôi nghĩ, đó là lứa tuổi chập chững tiếp cận với đời sống xã hội, bên ngoài chiếc nôi gia đình. Các nhà sư phạm đã đánh giá đây là lứa tuổi học mà chơi, chơi mà học. Vì vậy, nên giảm bớt các môn học không cần hoặc chưa cần thiết cho các cháu có thời gian vui chơi, thích ứng dần với xã hội, tạo nên những cơ sở dồi dào về thể lực và trí lực. Các cháu như những mầm cây non, còn quá non nớt chưa thể chịu được sự gò ép nhồi nhét quá mức. Nhìn các bậc cha mẹ chở con em đi học mà không khỏi thấy thương cho các cháu, với thân hình nhỏ bé phải gò lưng đèo phía sau 3 - 4 kg sách vở, vì theo quy định phải đưa theo tất cả các môn học chứ không theo thời khóa biểu từng ngày.
Sơn Trà