Đôi dép râu
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đôi dép râu (dép lốp) từ những bàn chân thần tốc của đoàn quân giải phóng trên đường làng tháng 4 năm 1975. Những anh chàng bộ đội còn trẻ măng mặc quân phục màu xanh lá cây, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép râu đã nhanh chóng hòa nhập với mọi người, mọi tầng lớp nhân dân. Đi đến đâu tôi cũng thấy có những tốp người: già trẻ, trai, gái đứng quây quần nghe anh bộ đội hát dân ca bài chòi. Thế là lũ trẻ chúng tôi háo hức làm dép râu và tập hát dân ca bài chòi.
Những cái lốp xe Jeep, xe lam ngày thường vứt ra đường, hoặc nằm chênh ênh ở dưới hầm dông chẳng ai thèm ngó ngàng đến, giờ bỗng dưng có giá! Lũ nhóc chúng tôi ra sức lăn được một cái lốp xe về nhà, mỗi đứa cầm mỗi cái câu liêm hì hục cắt lốp xe làm dép. Thằng Phú lớn xác nhất bọn có sáng kiến chế nước xà phòng vào lốp xe để cắt dép cho dễ. Suốt cả ngày làm việc cật lực và khẩn trương, cuối cùng mỗi đứa có một đôi dép râu. Quai dép cứ dùng đại dây Paga luồn vào cũng thành dép như ai. Mang dép râu thì oách rồi, nhưng còn phải thuộc những bài dân ca bài chòi: Anh Tiến, anh Liêu, anh Tía... thì mới mong lọt vào mắt xanh của các đội trưởng đội văn nghệ phân hội thanh niên.
Những đêm hội diễn văn nghệ giữa các phân hội thanh niên bao giờ cũng sôi động. Các diễn viên tự đầu quân bằng khả năng ca hát, diễn xuất của mình. Ai cũng háo hức tập luyện vào buổi tối lẫn buổi trưa. Nơi hội diễn văn nghệ là các sân trường, trụ sở... Chong vài cây đèn măng-sông giữa khoảnh đất trống cũng cứ ca hát, đoạt giải như thường. Những đôi dép râu được đội văn nghệ thôn quy tụ từ những thằng nhóc chúng tôi để có đoàn quân vai mang súng, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép râu, khắp mình mẩy giắt đầy lá ngụy trang, bước đều rầm rập theo từng lời ca tiếng hát.
Sau này mỗi lần nhớ đến những kỷ niệm xưa, tôi nghiệm ra: Ngày ấy lũ trẻ chúng tôi, kể cả những người lớn tuổi không chỉ yêu thích những đôi dép râu, những bài dân ca bài chòi với làn điệu Nam ai, Xuân nữ... ngọt ngào, sâu lắng, mà cái chính là người ta yêu quý anh bộ đội giải phóng, yêu quý độc lập tự do.
Đôi dép râu lại một lần nữa rất ấn tượng đối với tôi, đó là ngày tôi vào thăm căn nhà gần bên nhà sàn của Bác. Cạnh chiếc giường đơn mộc mạc mà Bác thường ngủ nghỉ là một đôi dép râu đã mòn quai đặt sát cửa hầm tránh bom. Tôi chợt nhớ đến trường ca “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu có đoạn: “...Còn đôi dép cũ mòn quai gót/ Bác vẫn thường đi giữa thế gian...”.
Giờ thì không còn mấy ai mang dép râu, nhưng nó là kỷ niệm đẹp của một thời đối với lớp trẻ chúng tôi và mãi mãi là một hình ảnh lịch sử độc đáo, hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Tạp văn của
Trần Quốc Cường