Độc lập dân tộc, dân chủ và nhân quyền: Mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta
TS. Cao Đức Thái
85 năm qua kể từ khi ra đời đến nay (1930-2015), mục tiêu, lý tưởng xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước gắn liền với chế độ xã hội do nhân dân làm chủ và quyền con người (QCN).
Trong thời kỳ vận động cách mạng (1930-1945), Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Lãnh tụ Hồ Chí Minh sọan thảo (văn kiện gọi là Chánh cương và sách lược vắn tắt), được Hội nghị BCH T.Ư lần thứ nhất họp tại Hương Cảng đã kế thừa hình thành “Luận cương chính trị của Đảng” vào 1930. Chánh cương xác định “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nói cách khác, mục tiêu của cuộc cách mạng này giải phóng xã hội thoát khỏi chế độ thực dân, phong kiến đem lại quyền công dân, QCN cho mọi người. Chánh cương còn đề cập đến nhiều quyền như: “ Dân chúng được tự do tổ chức; Nam nữ bình quyền; phổ thông giáo dục…”.
Thực hiện Chánh cương, Luận cương, năm 1930 của Đảng, dân tộc ta đã thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, 1945 giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), mở ra thời đại mới cho dân tộc ta-thời đại độc lập dân tộc gắn với chế độ chính trị do nhân dân làm chủ hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Cương lĩnh thứ II của Đảng (được gọi là Chính cương) do Đại hội II, 1951 thông qua, tiếp tục khẳng định mục tiêu: “Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho CNXH…”. Đồng thời Cương lĩnh còn xác định: “Chính quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là chính quyền dân chủ của nhân dân, nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ”; “Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng”; “Các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc”. Có thể nói những tư tưởng trong Chính cương nói trên về QCN vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay.
Sau khi đất nước đã thu về một mối, mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ bị sụp đổ ở Liên xô và các nước XHCN ở Đông Âu (1989-1991), được xem là trung tâm của hệ thống XHCN, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện công cuộc đổi mới, mở đầu từ Đại hội VI, năm 1986. Cương lĩnh thứ III của Đảng được Đại hội VII, 1991 và Cương lĩnh lần thứ IV do Đại hội XI, 2011 đã một lần nữa tái khẳng định và phát triển đường lối của các Cương lĩnh trước trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) ”.
Trong Cương lĩnh thứ III và thứ IV, Đảng ta đã điều chỉnh con đường đi lên CNXH phù hợp với quy luật khách quan và những xu thế lớn của thời đại. Nội dung quan trọng sự điều chỉnh của hai Cương lĩnh nói trên là sự thay đổi mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ (với Nhà nước chuyên chính vô sản… kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp) sang xây dựng CNXH theo mô hình mới, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó chế độ chính trị dựa trên “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân”, các QCN, quyền và nghĩa vụ công dân được tôn trọng và bảo đảm, cùng với nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Nét đặc sắc trong Cương lĩnh, thứ III và thứ IV là Đảng ta đã điều chỉnh phương hướng, con đường đi lên CNXH của nhân dân ta phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, dân chủ và QCN.
Thực hiện các mục tiêu của Đảng trong các Cương lĩnh từ khi thành lập Đảng đến nay, một mặt quân, dân ta bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc, mặt khác đã hoàn thiện chế độ dân chủ XHCN, tôn trọng và bảo đảm QCN.
85 năm qua trong điều kiện của một quốc gia có đặc điểm địa chính trị đặc biệt, gần như trong thế kỷ XX, dân tộc ta không có bao nhiêu thời gian tập trung các nguồn lực để xây dựng đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân, song có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã vững vàng bước sang thời đại mới, hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Trong điều kiện đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, những tổn thất trong chiến tranh với hàng triệu thương binh, bệnh binh, các nạn nhân chất độc da cam, với hàng triệu héc ta đất còn nhiễm bom mìn, chất diệt cỏ… chưa được khôi phục… nhưng có thể nói: xã hội ta đã có những thay đổi đáng kể về mọi mặt, từ mức sống vật chất đến đời sống tinh thần. Đồng thời Việt Nam cũng đã xác lập được vị trí vững chắc trong cộng đồng quốc tế. Hiện nay Việt Nam đang là thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016); đang là đối tác của nhiều chế định tài chính và nhiều hiệp định thương mại quốc tế, với các nước lớn và khu vực. Về chính trị, cho đến nay Việt Nam đã có quan hệ với 180 quốc gia, trong đó đã có quan hệ đối tác chiến lược với 4 nước là thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ và xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với một số nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ
Không phủ nhận rằng xã hội ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng phân hóa giầu nghèo vẫn tiếp tục dãn ra, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, lợi ích nhóm chưa được đẩy lùi như Hội nghị T.Ư 4 đã chỉ ra, song chúng ta có quyền tin tưởng rằng với những thành quả của cách mạng đã đạt được trong 85 năm qua, đặc biệt là chế độ dân chủ XHCN đã được xác lập vững chắc; lòng tin của nhân dân đối với Đảng với chế độ vẫn được tiếp tục củng cố, nhất định công cuộc đổi mới của nhân dân ta sẽ đi đến thắng lợi.
C.Đ.T