Đọc “Dấu ấn cuộc đời và thơ” của lính cựu xe tăng
Được CCB Đỗ Lai Môn - người lính xe tăng năm xưa tặng cuốn “Dấu ấn cuộc đời và Thơ” dày dặn, bìa cứng láng bóng rất đẹp, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 4-2024, tôi háo hức muốn biết người lính xe tăng năm xưa trở về quê hương, lại yêu thơ và làm thơ thì sẽ như thế nào. Và tôi thật sự bất ngờ trước khối “gia tài thơ” đồ sộ với hơn 300 trang thơ là tất cả các cung bậc cảm xúc của một CCB trước mọi vấn đề của đời sống hiện thực từ khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến nay. Đó là những ký ức, kỷ niệm, tình yêu, là lòng biết ơn, lòng tự hào dân tộc, và cả sự trăn trở với những tiêu cực còn tồn tại trong cuộc sống thường nhật của người lính xe tăng năm xưa: Đỗ Lai Môn.
Thơ Đỗ Lai Môn dung dị, chất phác, không nhiều hình ảnh hoa mỹ mà gắn với đời thực, với con người nhiều hơn. Người làm thơ thường phải có độ “phiêu” nhất định ít khi tỉnh như thế, nhưng CCB Đỗ Lai Môn lại vừa tỉnh vừa “phiêu”, tuy rằng những lúc phiêu ấy rất hiếm hoi, nhưng cũng đủ mang lại chất nghệ sĩ cho tác giả khi cảm nhận rõ nhịp mùa đi trong từng sắc hoa: “Tháng ba mùa tím của hoa cà”; hay từng mùa thay đổi bằng những câu thơ thật đẹp:“Cái rét đầu mùa đông đã đến/ Giá lạnh đầu môi ướt vai tràn…/ Chim bay về Nam tìm nơi ẩn/ Ánh nắng trời hồng nét xuân lan” (Trăn trở); và nhiều câu lục bát hay như thế này nữa:“Để hồn không có mùa đông/ Mùa thu ở lại con sông hiền hòa... (Nhớ về mùa thu). Hay khi tác giả viết về những kỷ niệm ấu thơ vô cùng đẹp đẽ:“Quê hương là chốn quê nhà/ Mẹ mua bố đặt trái na, trái hồng/ Kéo quân có cả đèn lồng/ Tung tăng nhau rước đường làng hát ca”(Nhớ về mùa thu”. Và xúc động đến lặng người khi viết về người mẹ“Mẹ rơi nước mắt, nhiều rồi/ Sao con chỉ thấy Mẹ cười mẹ ru…”(Lòng Mẹ công Cha)
Người đọc còn cảm nhận rõ hơn trong tập thơ này tình yêu quê hương đất nước của một người lính Cụ Hồ, một CCB từng trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Những bài thơ về trường học trong bom đạn, về hồi ức của cuộc chiến đầy hy sinh ác liệt, khiến người đọc nhận thấy sự khốc liệt của chiến tranh: “Anh đi gìn giữ Quốc kỳ/ Thịt rơi máu chảy quyết đi hàng đầu/ Dù bom đạn giặc cày sâu/ Pháo tăng dày xéo… Anh đâu sờn lòng” (Vẫn có anh màu xanh thắm mãi); hay những địa danh nổi tiếng của đất nước mà tác giả đã ghé thăm khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối “Thế rồi sáng dậy ngày mai/ Thành cổ Quảng Trị những ai đã từng/ Chiến công cũng thật oai hùng/ Đồi cao bia đá khắc cùng tên anh”; hay tác giả đưa ta đến xứ Huế - nơi mà trong chúng ta không mấy ai là không xao xuyến về một mảnh đất đầy thơ mộng và duyên dáng: “Trưa đến đất cổ Kinh thành/ Sống trong xứ Huế ngọt lành chiêm bao”…
Đọc thơ của CCB Đỗ Lai Môn, ta thấy rõ phẩm chất của người lính Cụ Hồ, dù trong cuộc chiến hay lúc hòa bình đều toát lên một lòng chung thủy, biết ơn và tự hào với cả những điều nhỏ bé, cả những điều lớn lao mà cha ông mình đã từng đổ biết bao xương máu mới gây dựng được.“Câu thơ đẹp mãi với đời/ Lời thơ sáng tỏ như lời tri ân”…
Cả tập thơ như một lời tâm sự nhẹ nhàng của tác giả trước mọi vấn đề của cuộc sống, không giấu giếm cảm xúc, dù cảm xúc có lúc cũng vụng về như người lính không biết nói những lời hoa mỹ, chỉ có sự chân thật, chất phác và lòng nhiệt huyết trong trái tim luôn bừng cháy. Điều đáng nói trong tập thơ này nữa chính là cách Đỗ Lai Môn viết được các thể loại thơ mà tiêu biểu là thể thơ thất ngôn bát cú, thể lục bát và ngũ ngôn. Người đọc thấy vừa quen, vừa lạ, quen ở thể thơ và lạ ở cách tiếp cận chủ đề.
Một điều đặc biệt nữa là những ai muốn tìm hiểu về xứ Đoài thì “Dấu ấn cuộc đời và Thơ” của Đỗ Lai Môn cũng có thể giúp một cách tiếp cận. Đỗ Lai Môn bằng tình yêu quê hương đã giúp người đọc “du lịch bằng thơ” qua các địa danh nổi tiếng của Xứ Đoài khá đầy đủ: “Đình Than có tiếng vang xa/ Đám Than rước kiệu đúng ba ngày trời/ Vang danh có tự bao đời/ Đình Than, Quán Giá chẳng nơi nào bằng”; hay: “Mùa Hội dân vẫn hằng mong/ Như đình So đó nức lòng nhân dân/ Tháng Hai ngày Tám tiết xuân/ Gần xa chiêm ngưỡng quây quần Hội vui” (Về bên Xứ Đoài)… Một người con của Xứ Đoài đích thực khi viết về quê hương chắc chắn sẽ dạt dào tình yêu mến thiết tha.
Thơ Đỗ Lai Môn như “một khúc tình ca” chảy mãi, cần những tâm hồn yêu thơ, yêu đời đồng điệu đọc và thấu cảm, suy ngẫm và cùng sẻ chia:“Bút Than cầm chắc trong tay/ Câu văn thấm đọng tháng ngày trong ta/ Yêu thơ như thể yêu nhà/ Thơ đọng mãi, trong tim ta với đời” (Dòng thơ hồn đọng).
Với ngòi bút mộc mạc, giản dị và lối viết chân thành, giọng điệuthơ của người lính cựu xe tăng thật bình dị, nhưng đi vào lòng người như một bản nhạc ngân xa. Có lẽ sự sàng lọc của văn chương, không chỉ ưu ái đối với những người theo nghiệp văn, mà nó còn là mảnh đất màu mỡ sẵn sàng dung nạp tất cả những tâm hồn luôn tha thiết với cuộc đời. Thơ CCB Đỗ Lai Môn xứng đáng có một chỗ đứng trong trái tim của đông đảo bạn đọc yêu mến thơ ca gần xa, bởi dấu ấn cuộc đời và thơ của tác giả mang đầy ý nghĩa.
Nguyễn Duy Cách