Độc đáo võ sáo nơi rừng thiêng Yên Thế (16/03/2012)

Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài suốt 30 năm do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, võ sáo đã được những người lính trong nghĩa quân sử dụng rộng rãi. Nghĩa quân Yên Thế xưa đã dùng những cây sáo bằng sắt để tập hợp quân sĩ hay làm tín lệnh để báo hiệu có kẻ thù đến. Do được làm bằng sắt nên những cây sáo hồi ấy có khả năng gây sát thương rất cao. Nhất là khi nó lại được những người có võ công cao cường, điêu luyện sử dụng… Năm nay, lần đầu tiên môn võ sáo chính thức được đưa vào nội dung của lễ hội kỷ niệm 128 năm cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế. Màn biểu diễn này do 100 em học sinh trường Tiểu học thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế thể hiện. Màn biểu diễn bao gồm 50 cách thế: đỡ, đòn, đánh. Võ sáo là môn võ kết hợp với sức lực và âm thanh. Mỗi bài quyền lại mang một nét độc đáo, thâm hiểm riêng biệt. Nếu như các bài quyền có dáng dấp của thế "mây vờn núi", uyển chuyển, biến hóa khôn lường thì ở bài võ sáo lại mạnh mẽ vô song, với những đòn đánh mạnh như vũ bão, tính xát thương vô cùng lớn... Một nét độc đáo có một không hai của môn võ nơi vùng rừng thiêng Yên Thế, vừa là vũ khí để phòng bị, tấn công kẻ địch, đồng thời lại trở thành cây sáo mang âm hưởng du dương, trầm bổng lôi cuốn lòng người. Và điều đặc biệt nó được chế tác từ cây sắt cứng rắn, không thể dễ chặt, bẻ gãy. Mấy năm nay, nhiều người ở tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Yên Thế nói riêng đã được nghe kể và biết đến võ sư Trịnh Như Quân, người có công lớn trong việc gìn gữ và phát huy những giá trị đặc sắc của môn võ cổ truyền dân tộc này. Là người sinh ra và lớn lên ở TP Bắc Giang, song võ sư Trịnh Như Quân đã may mắn bén duyên với môn võ tưởng chừng như thất truyền ở vùng núi Yên Thế. Năm 1991, trong một lần đi điền dã sưu tầm các bài võ cổ, vào bản rừng Phe, xã Tam Tiến, gặp được cụ Triệu Quốc Úy, truyền nhân cuối cùng của bài võ sáo "Bóng trăng Phồn Xương". Võ sư Quân đã ngay lập tức bị mê hoặc bởi tuyệt kỹ võ sáo Yên Thế. Tương truyền, đây chính là ngón võ sở trường và đam mê của Hùm Sám Hoàng Hoa Thám. Thế võ biến hóa vừa là cây sáo dùng để thổi những bản nhạc du dương, vừa là một thứ vũ khí khi xung phong giữa trận tiền đã khiến bao quân địch kinh hồn bạt vía giữa núi rừng Yên Thế. Thời gian trôi đi, thế võ "thiết địch" (sáo sắt) đã tưởng chìm vào quên lãng với bao huyền thoại hư hư thực thực thì cũng là lúc võ sư Trịnh Như Quân cất công khăn gói từ chốn phồn hóa thị thành lên rừng "bái sư" luyện võ. Sau nhiều tháng khổ luyện, với lòng đam mê võ thuật, võ sư Quân đã học được cách tạo âm thanh và các ngón võ biến ảo của cây sáo sắt. Năm 1993, võ sư Trịnh Như Quân bắt đầu biểu diễn bài "Bóng trăng Phồn Xương" và sáo võ đã chính thức được ghi vào "sổ tay võ thuật toàn quốc", các chiêu võ sáo đã đoạt nhiều giải đặc biệt trong các hội diễn thể thao cả nước. Tháng 6 năm 2008, võ sư Trịnh Như Quân đã được trao giải Nhì tại "Liên hoan điện ảnh và truyền hình thể thao quốc tế- FICTS Việt Nam lần thứ IV". Bằng niềm đam mê với võ thuật, nhất là với những thế võ huyền bí của môn võ sáo, võ sư Trịnh Như Quân đã tryền dạy cho nhiều thế hệ trên quê hương anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Hằng tuần, võ sư Quân lại ngược lên vùng núi Yên Thế kỳ công hướng dẫn, truyền bảo những thế võ độc đáo cho các đệ tử của mình. Từ tháng 01 năm 2008 Trường Tiểu học thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế đã thành lập câu lạc bộ võ thuật Hoàng Hoa Thám, thực hiện chương trình phát triển môn võ sáo với 100 em học sinh tham gia. Nhiều em nhỏ đã say mê luyện tập, tạo ra một phong trào rèn luyện võ thuật cổ truyền, giúp các em hình thành nhân cách của người quân tử, không ngại gian khó. Những thế hệ nhỏ tuổi này rồi đây lại tiếp bước truyền thống cha ông oai hùng, gìn giữ, phát huy môn võ cổ truyền đầy chất huyền bí của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám năm xưa. Phương Uyên (TH)