Doanh nhân CCB TP Hà Nội: Vượt sóng gió để trụ vững (27/09/2012)

PV: Thưa bà, năm vừa qua là một năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Các DNDN CCB TP Hà Nội đã vượt qua những sóng gió này để trụ vững thế nào?

Bà Nguyễn Thị Mai: Đúng như vậy, năm 2012 là năm kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, có tới 400.000 doanh nghiệp trên toàn quốc phải dừng hoạt động, nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp của Hội DNDN CCB TP Hà Nội bị phá sản. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp đang có khó khăn thực sự, cần nhiều trợ giúp để tiếp tục đứng vững, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực bất động sản. Còn đại đa số các doanh nghiệp của các doanh nhân CCB vẫn trụ vững, tuy rằng phát triển ở mức khiêm tốn. Các doanh nghiệp này vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 19.000 người với mức lương trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng. Thành tích của Hội DNDN CCB TP Hà Nội được thể hiện bằng việc có 1 hội viên được nhận Huân chương Lao động hạng ba, 4 cá nhân được bằng khen của Chính phủ, 9 chi hội DNDN CCB các quận, huyện và 26 cá nhân được nhận bằng khen của UBND TP Hà Nội, của T.Ư Hội CCB Việt Nam.

PV: Bà có thể cho biết, để chào mừng Đại hội đại biểu Hội CCB TP Hà Nội và toàn quốc lần thứ V, các doanh nhân CCB đã có những hoạt động thiết thực nào?

Bà Nguyễn Thị Mai: Những hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Hội CCB TP Hà Nội và toàn quốc lần thứ V được chuẩn bị và tiến hành từ lâu, trước hết là việc kiện toàn tổ chức Hội DNDN. Vừa qua, hai chi hội Thanh Trì và Sơn Tây đã tổ chức sắp xếp lại, bầu chi hội trưởng, chi hội phó, tạo điều kiện hoạt động tốt hơn. Hội đã kết nạp thêm 7 hội viên mới, đưa tổng số hội viên lên 175 hội viên. Các hoạt động nghĩa tình của Hội được đẩy mạnh. Trong năm qua, tổng số tiền cho hoạt động này lên tới hơn 3 tỷ đồng. Có những doanh nghiệp đóng góp nhiều như Công ty Nhuận Mai gần 400 triệu đồng, Công ty Hùng Cường gần 300 triệu đồng, bến xe tĩnh của CCB Nguyễn Văn Thốn ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hơn 60 thương binh, còn đóng góp gần 200 triệu cho nghĩa tình… Gần đây nhất là Hội tổ chức triển lãm các gian hàng chất lượng cao để chào mừng Đại hội đại biểu CCB TP Hà Nội. Những doanh nghiệp tiêu biểu mang hàng chất lượng cao tới đây trưng bày, cũng là để cổ vũ phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

PV: Việc xúc tiến thành lập Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam đang khẩn trương tiến hành. Bà có ý kiến gì trong vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Mai: Việc Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam được thành lập có ý nghĩa rất quan trọng. Đây chính là cơ hội lớn để các DNDN CCB Việt Nam được hòa vào một tổ chức cùng giúp nhau sản xuất kinh doanh tốt hơn. Hội không chỉ là nơi sinh hoạt của các doanh nhân CCB mà còn là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất mỗi khi họ gặp khó khăn. Chính vì vậy tôi rất mong khi Hội thành lập, Đảng, Nhà nước, các đoàn thể cùng các cơ quan, ban, ngành quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để Hội hoạt động được thuận lợi, nhất là về cơ chế, chính sách giúp đỡ cho các doanh nhân, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn này. Ví như ở TP Hà Nội, nhiều hội viên của Hội DNDN Hà Nội thiếu vốn nhưng muốn vay rất khó khăn vì vướng các thủ tục, cơ chế. Nhiều nơi các hội viên đã chủ động giúp nhau như Chi hội Sóc Sơn, 15 hội viên góp tiền lập quỹ hơn 1 tỷ đồng, cho hội viên nào khó khăn vay với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng. Việc này vừa gây được quỹ hội, vừa giúp đỡ hội viên. Một cơ chế thông thoáng thông qua Hiệp hội dành cho các hội viên, đặc biệt trong việc vay vốn là rất cần thiết nhằm giúp các doanh nhân CCB có điều kiện tái hồi và đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng tồn đọng.

PV: Xin cảm ơn bà.

Quang Vinh (thực hiện)