Doanh nhân CCB nơi địa đầu Tổ quốc
Doanh nhân, CCB Tạ Đức Toán - Chủ tịch Câu lạc bộ CCB giúp nhau làm kinh tế hiệu quả tỉnh Hà Giang kiểm tra đàn ong mật.
Dẫn chúng tôi lên đồi thăm hơn 70 đàn ong lấy mật, đôi bàn tay thoăn thoắt với các thao tác mở thùng, lấy cầu, kiểm tra ong và chia sẻ về kỹ thuật nuôi ong của doanh nhân, CCB Tạ Đức Toán, ở phường Ngọc Hà - T.P Hà Giang, tỉnh Hà Giang, chúng tôi biết, mình đã gặp được “chuyên gia” nuôi ong.
Đến với nghề nuôi ong khi tuổi đã “xế chiều” nhưng CCB Tạ Đức Toán không ngừng học hỏi ở khắp nơi để bồi đắp vốn kinh nghiệm nuôi ong của mình ngày càng “dày” thêm.
Sau khi nghỉ hưu, nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện có diện tích rừng tự nhiên, kết hợp với phẩm chất của người lính Cụ Hồ nên ông quyết tâm đầu tư xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật. Chia sẻ về nghề, ông Toán khẳng định: “Nghề này không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải am hiểu kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; kỹ thuật khai thác và bảo quản mật ong”.
Vừa cẩn thận lật từng thùng ong để kiểm tra, ông Toàn vừa cho chúng tôi biết: Việc chọn đàn ong giống phải có nguồn gốc rõ ràng, ong chúa dưới 6 tháng tuổi, không nhiễm bệnh ấu trùng, ong thợ đậu kín 2 mặt cầu… Thùng và cầu ong đúng tiêu chuẩn về kích thước. Người nuôi nên chọn nơi gần nguồn mật, phấn hoa, khoảng cách kiếm ăn hiệu quả từ tổ ong đến nguồn thức ăn khoảng 500-700m để đặt thùng ong. Chỗ đặt thùng cần bằng phẳng, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Chỉ vào thùng ong mới chia đàn, ông Toán nói: Việc chia đàn nên làm vào buổi chiều, những ngày thời tiết nắng ấm đem thùng không có ván ngắn đã vệ sinh sạch sẽ đặt cạnh đàn định chia, chia đều số cầu, số quân, số con (trứng, ấu trùng, nhộng) thức ăn về 2 đàn ong. Đặt 2 thùng ong song song với nhau về 2 bên và cách vị trí đàn cũ khoảng 20-30cm, cần biết rõ ong chúa ở đàn nào để giới thiệu chúa vào đàn không chúa. Quan sát ong đi làm về, nếu đàn nào về nhiều cần dịch ra xa và đặt đàn kia gần lại. Trường hợp ong vẫn về 1 đàn sau khi điều chỉnh cần đổi vị trí 2 đàn cho nhau.
Ngoài ra, người nuôi cũng cần có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật. Cụ thể, mùa rộ mật bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7 và rộ mật nhất là tháng 4 và 5, người nuôi có thể quay mật từ 1 đến 2 lần trong tháng, chất lượng mật thời điểm này cũng được đánh giá là tốt và đẹp nhất trong năm… Bên cạnh đó, người nuôi ong cần hiểu rõ quản lý ong bốc bay và cho ăn bổ sung, thu hoạch và bảo quản mật ong. Tính ra, mỗi năm đàn ong nhà ông Toán cho thu hoạch hơn 1.000 lít mật ong.
Theo ông Toán, những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở nước ta đã và đang phát triển nhanh chóng, tạo việc làm tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi ong lấy mật ở Hà Giang đa số là phát triển tự phát, nhỏ lẻ; các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt nhưng chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Vì vậy, để duy trì, phát triển nghề nuôi ong lấy mật cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn về quy mô đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn việc tiêu thụ sản phẩm.
Đứng trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm trong hai năm qua do dịch, nhưng với bản chất “thắng không kiêu, bại không nản”, CCB Tạ Đức Toán vẫn duy trì sản xuất và đang tìm hướng đi mới cho sản phẩm của mình.
Trên cương vị là Chủ tịch Câu lạc bộ CCB giúp nhau làm kinh tế hiệu quả tỉnh Hà Giang, doanh nhân, CCB Tạ Đức Toán luôn trăn trở, CCB Hà Giang ở vùng đất vừa nghèo, vừa xa xôi, còn nhiều vất vả, sản phẩm làm ra đã khó, tiêu thụ sản phẩm còn khó hơn. Niềm mong mỏi lớn nhất của ông là được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương và T.Ư để các CCB nơi địa đầu Tổ quốc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Minh Vũ