Doanh nhân CCB: “Nhà nông” bán hàng trên mạng
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm mô hình trồng cây có múi của doanh nhân CCB Nguyễn Ngọc Bắc, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn).
Thương mại điện tử là kênh quan trọng giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua không gian mạng, đặc biệt là với các doanh nghiệp nông nghiệp. Thấy được tiềm năng và lợi ích từ thương mại điện tử, Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hòa Bình đang tích cực hỗ trợ hội viên bắt kịp xu hướng bán hàng mới này.
Hội Doanh nhân CCB tỉnh phối hợp với các đơn vị cung cấp các ứng dụng thương mại điện tử cũng như giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử dành riêng cho Ngành Nông nghiệp. Với tính chất vụ mùa, nông nghiệp là ngành nghề đặc thù so với các ngành khác, nhất là trong khi dịch Covid-19 chưa được ngăn chặn, có nguy cơ tái bùng phát, thì phương thức buôn bán truyền thống không còn hiệu quả. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp nông nghiệp chuyển đổi sang không gian trực tuyến.
Trước tình hình đó, với hàng trăm hội viên CCB là chủ các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn, Hội Doanh nhân CCB tỉnh đặt mục tiêu chuyển đối số sẽ không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài mang tính bền vững để kịp thời nắm bắt, theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Biên - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hòa Bình cho biết: Thương mại điện tử giúp rút ngắn khoảng cách giữa sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời, mang tính bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đối với các doanh nhân không phải dễ, bởi: “Nhiều chủ doanh nghiệp là CCB còn chưa biết nhắn tin, chưa sử dụng thành thạo điện thoại thông minh” - ông Biên chia sẻ.
Đảm nhiệm chức Chánh văn phòng Hội, đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp lớn, với hàng trăm lồng cá trên sông Đà. Từ thực tế của bản thân, ông Phạm Tiến Thuật cho rằng: Bán hàng thông qua thương mại điện tử rất tốt cho doanh nghiệp và cần phổ biến nhiều hơn, nhanh hơn không chỉ cho các hội viên của Hội mà phải rộng rãi đến các doanh nghiệp khác.
Tự hào về giá trị cũng như chất lượng của sản phẩm tạo ra, với ông Phạm Tiến Thuật, tham gia thương mại điện tử ngoài việc mở rộng thêm kênh bán hàng, ông còn mong muốn truyền tải được giá trị cũng như thông tin cụ thể hơn nữa về sản phẩm, còn hiện nay các trang thương mại điện tử “mới chỉ dừng ở mức giới thiệu sản phẩm, chưa làm nổi bật được tính đặc thù, chi tiết sản phẩm của doanh nghiệp”.
Chủ tịch Nguyễn Thành Biên hy vọng: Việc chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh của các hội viên Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hòa Bình nói riêng và các doanh nghiệp nông nghiệp, bà con nông dân Hòa Bình nói chung chắc chắn sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương.
Nguyễn Trang